Hay lắm. Phải vậy chớ. Lẽ nào chỉ người thạo chữ mới nên người được.

Đạo của người quân tử bình dân có nét này thoạt nghĩ hơi lạ, là “thói ăn chơi, hưởng lạc”.

Chợt nhớ Nguyễn Công Trứ, Tú Xương v.v. Tức là, người quân tử bác học cuối mùa ngoài Bắc và người quân tử bình dân trong Nam có một nét chung.

(Thu Tứ)



Sơn Nam, “Người quân tử bình dân”



Kẻ sĩ (...) tập tành trở thành người quân tử. Người dốt chữ (...) vẫn có luật lệ riêng, luân lý riêng. Ðó là “điệu nghệ”.

Ðiệu là đạo, nói trại ra.

Nghệ là nghĩa, nói trại ra.

Ðạo là gì? Nếu chúng tôi không lầm thì đây là đạo làm người, tổng hợp những nét của (...) Khổng, Lão, Phật (...) lòng từ bi (...) tình nghĩa anh em, vợ chồng; thói ăn chơi, hưởng lạc, thú tiêu dao.

Nghĩa là nghĩa khí, tiêu biểu cho nghĩa khí là ông Quan Vân Trường không lợi dụng quyền thế để lấn hiếp kẻ yếu, không giết kẻ té ngựa, ăn ở thủy chung, dám liều thân vì nghĩa lớn, không nói xấu kẻ vắng mặt.

Quan niệm “điệu nghệ” tạo ra (...) một người quân tử bình dân. Cánh cửa của đạo và nghĩa luôn luôn mở rộng để đón tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, dĩ vãng tốt hay xấu. Nếu biết điệu nghệ thì mọi việc tranh chấp đều có thể giải quyết dễ dàng trong vòng anh em với nhau, không cần pháp luật hoặc nhà cầm quyền can thiệp (...)

Giá trị con người không ở tiền bạc (...) làm đại điền chủ mà không biết điệu nghệ thì chưa phải là sang trọng.


(Sơn Nam,
Văn minh Miệt Vườn, nxb. Văn Học, 1992, tr. 200-201. Nhan đề phần trích tạm đặt.)