Đây chính là lúc “thời cơ thuận lợi đã tới”, là “lúc phong trào lên” tới cao điểm. Vừa quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa, Bác vừa dặn dò phải chuẩn bị cho “lúc khó khăn”. Không phải chỉ dặn chung, dặn suông, mà nhiều khi rất cụ thể, có khi chính mình trực tiếp giao nhiệm vụ. Bác đã lo muối hàng năm trời trước ngày Toàn quốc Kháng chiến! Tưởng tượng người lãnh đạo tối cao không biết lo xa như thế, cuộc chống Pháp đã ra sao! (Thu Tứ)



Hồ Chí Minh, “Phải biết lo xa”




(Ngay trước Hội nghị Tân Trào, Hồ Chủ tịch đang bệnh nặng) Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc (…) “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”.(1)

(Khi Hội nghị Tân Trào bế mạc, Hồ Chủ tịch căn dặn Ủy ban Giải phóng Dân tộc) “… về xuôi thì một bộ phận vào Hà Nội, nhưng phải để một bộ phận ở ngoài, phòng tình thế khó khăn và khi cần thiết”.(2)

“Cuối 1945, Bác Hồ bảo ông Nguyễn Lương Bằng: “Kỳ này chú không tham gia chính phủ nhé. Bác nhờ chú một việc”. “Dạ, thưa việc gì ạ?”. “Chú về dưới Nam Định mua thật nhiều muối chở lên mạn ngược cho Bác”. Trong gần một năm, ông Bằng đã mua và tải lên được hơn vạn tấn muối. Chiến tranh nổ ra, Pháp chặn ngay gạo và muối lên Việt Bắc. Bộ đội ta vẫn có đủ muối cho tám năm kháng chiến”.(3)















___________
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Từ nhân dân mà ra.
(2) Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập 2.
(3) Không biết nguồn.