“Nghi vấn miếu Trưng Vương”




Hình như ở tỉnh Hồ Nam bên Tàu có miếu thờ Trưng Vương. Nếu có, miếu ấy ở đâu?

Trong Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp in năm 1983, Trần Quốc Vượng viết: “… có “miếu bà Trắc” thờ Bà Trưng ở phía nam hồ Ðộng Ðình”, mà không cho biết nguồn thông tin.

Trong bài “Miếu thờ Trưng Vương trên đất Hồ Nam” đăng trên báo Hà Nội Mới số ra ngày 13/2/2006, Nguyễn Vinh Phúc khẳng định: “Trên đất Trung Quốc mà lại có đền thờ Bà Trưng? Lạ, nhưng có thật”. Đại khái, ông đọc thơ xưa, cho rằng có nhắc đến miếu thờ Trưng Vương, bèn từ sự kiện lịch sử là sau khi thắng trận Mã Viện đã bắt ba trăm cừ súy người Việt đem về an trí tại Linh Lăng (Hồ Nam) mà suy diễn rằng chính những cừ súy này đã xây ngôi miếu được nhắc đến trong thơ.

Ta hãy đọc lại hai bài thơ ấy.

Đây bài “Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh” của Nguyễn Thực: “Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thùy / Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ / Uất thông đông hậu thùy thiên cán / Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi / Ðồng trụ Trưng vương lưu cựu tích / Thạch nhai Trưng tướng phục tùng từ / Phong cương tự cổ phân trung ngoại / Thậm tiễn thiên công xảo thiết thi”. Nguyễn Vinh Phúc dịch nghĩa: “Núi Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt / Biết bao cảnh trí tươi tắn kỳ lạ / Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um / Trước mùa xuân một nhành mai diễm lệ / Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương / Đường đá nghiêng bên ngôi đền Trưng tướng / Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong, ngoài / Rất phục thợ trời sao khéo đặt bày”.

Bài này trước tiên có vấn đề văn bản ở câu thơ thứ ba từ dưới lên. Trong bản đăng trên trang thivien.net, câu ấy là: “Thạch nhai Trương tướng phục tùng từ”, với chú thích “Trương Cửu Linh người tỉnh Quảng Đông làm tể tướng đời Đường, khi mất được dân nơi đây lập đền thờ. Các sứ bộ ta khi qua vùng núi Ngũ Lĩnh đều nhìn thấy đền thờ ông trên ngọn Mai Lĩnh”. Ngoài ra, chỉ căn cứ trực tiếp vào lời thơ cũng có thể thấy cái chữ ấy trong câu thứ ba hết sức khó lòng là chữ “Trưng”. Vừa mới câu trên gọi Bà Trưng là “vương”, lẽ nào câu dưới hạ ngay xuống “tướng”! Nếu bảo “Trưng tướng” nghĩa là tướng của Trưng Vương thì vô lý vì lẽ nào các cừ súy (hẳn chủ yếu chính là các tướng) không xây miếu thờ vua mà đi xây miếu thờ mình! Rồi ví dụ chuyện vô lý đã xảy ra, thì bài thơ Nguyễn Thực chỉ chứng cho sự tồn tại của miếu thờ Trưng tướng, chứ đâu có cho biết gì về miếu thờ Trưng Vương!

Còn đây bài “Phân Mao Lĩnh” của Ngô Thì Nhậm: “Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao / Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao / Thiên thư bất tận Hành Sơn Lĩnh / Ðịa khí hoàng phù Nhạn Trạch Mao / Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ / Uy Ðà quế đố lạc sơn sào / Phong lai giải uấn tây nam lợi / Vị ứng Hùng Bi vạn nhận cao”. Nguyễn Vinh Phúc dịch nghĩa: “Một dải núi xanh ở nơi giáp giới giữa Sở và Việt / Trên đường đến trạm Hoàng Mai nhận ra đó là núi Phân Mao / (Ranh giới của Trung Hoa là do) Sách trời định ra không quá núi Hành Sơn / Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở Nhạn Trạch (về phía nam) / Lưỡi kiếm của bà Trưng mở ra động phủ / Sâu quế của Triệu Đà còn đầy trong hang núi / Gió từ tây nam làm nguôi cơn nồng / Coi thường núi Hùng Bi dù cao tới muôn sải”.

Bài thơ này thực ra có cung cấp cho ta manh mối về một ngôi miếu nào chăng? Chữ “động phủ” trong câu thơ thứ năm có nghĩa là “chỗ hang động” hay “chỗ thần tiên ở” chứ không có nghĩa là nơi thờ phụng.(1) Hơn nữa, ai lại viết Trưng Trắc dùng mũi gươm mở ra chỗ thờ mình! Vậy đây Ngô Thì Nhậm có ý nhắc cái gì? Chúng tôi cho rằng nội dung câu thơ thứ năm là: Trưng Trắc đã nổi dậy, lấy một hang núi làm căn cứ kháng chiến. Nguyễn Vinh Phúc hẳn cũng nghĩ theo hướng đó, nên mới suy đoán: “Những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa kháng chiến ngày đó (trên đất Việt) được lưu truyền trong cộng đồng (lưu vong) (…) trải qua bao đời, chuyện bị “khúc xạ”, trở thành truyền thuyết Hai Bà Trưng đánh Mã Viện trên đất Hồ Nam”. Vậy đây là năm xưa Ngô Thì Nhậm đi qua gần cái hang mà truyền thuyết bị “khúc xạ” đã gán cho Bà Trưng, nghe chuyện, lấy làm cảm khái, bèn đưa nó vào trong bài thơ của mình về núi Phân Mao. Chỉ có thế thôi. Không hề có miếu trong thơ.

Cả hai bài thơ “Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh” và “Phân Mao Lĩnh”, không bài nào có thể dùng làm chứng cứ cho suy diễn của Nguyễn Vinh Phúc!

Chưa hết. Trong bài báo của Nguyễn Vinh Phúc có một chỗ bất ổn nghiêm trọng về địa lý. Sau khi viết: “Ba trăm cừ súy (…) đã (…) lập “miếu Bà Trắc” để tưởng nhớ thủ lĩnh của mình, thể hiện ý chí bất khuất của người Việt”, như sực nhớ cái câu không rõ nguồn trong sách Lịch sử Việt Nam, ông lại viết: “Miếu bà Trắc ở bên hồ Ðộng Ðình đúng là biểu tượng hiên ngang bất khuất của người Việt”. Ô hay, hồ Động Đình ở cực bắc tỉnh Hồ Nam, rất xa Linh Lăng thuộc huyện Vĩnh Châu ở cực nam Hồ Nam, làm sao miếu thờ Trưng Vương vừa ở Linh Lăng vừa ở bên hồ được!!!

Tóm lại, rút cuộc, có hay không có một ngôi miếu thờ Trưng Vương ở tỉnh Hồ Nam bên Tàu vẫn còn là một vấn đề chưa giải quyết.



Thu Tứ
Viết năm 2007
Sửa tháng 2-2020




















____________
(1) Theo
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh.