“Thật bất ngờ, cái Tết ấy ở thôn quê có biết bao điều thú vị”

Nhà nghèo không mua nổi cành đào thì đã có cành mận vườn nhà:

“Một buổi sớm áp Tết, trời rét đậm, đang nằm trong ổ rơm ấm áp với giấc mơ Tết, chúng tôi nghe tiếng mẹ gọi thật vui. Mấy chị em ào ra sân. Không tin ở mắt mình, cây mận như có phép lạ, trên những cành khẳng khiu trổ đầy lộc non, những bông hoa nhỏ xíu đang hé nở như miệng con trẻ chúm chím. Sáng hôm sau, cây mận bừng nở với hàng ngàn bông hoa xòe cánh trắng cùng những búp xanh nõn nà, đẹp đến nao lòng! (…) Chiều 30, chị em tôi chặt một cành hoa mận cắm vào cái hũ sành của bà (…) căn nhà thấp tè bừng sáng, tràn ngập không khí Tết”.

Nhà nghèo vẫn có cách có được thứ thịt không thể thiếu:

“Cách Tết ba bốn tháng, mẹ tôi đã đánh đụng lợn của bác hàng xóm. Bữa trưa 30, mẹ nhắc tôi đi nhận thịt (…) Xóm thôn thậm thịch tiếng giã giò thật vui tai (…) Chiều cuối năm bà nội tôi gói bánh chưng. Thú vị nhất khi bà gói cho mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ xíu nhưng vẫn đầy đủ nhân đỗ với thịt”.

Nhà nghèo nhưng trẻ con vẫn được mặc đẹp:

“Trước Tết gần tháng, mẹ tôi mang tem phiếu ra xếp hàng ở hợp tác xã mua được mấy mét vải phin đen và diềm bâu xanh (…) dẫn chị em tôi ra bác thợ may đầu làng (…) Bác hẹn nửa tháng sẽ xong. Ngày mẹ cầm quần áo về, chị em tôi cuống quýt mặc thử rồi mong Tết đến thật nhanh để được diện”.

Thảo nào
“trong ký ức tôi vẫn sống động cái Tết xưa thơ bé năm đầu tiên sơ tán về quê”. (Thu Tứ)



“Nhớ cái Tết sơ tán đầu tiên”

Trịnh Thị Thuận




Ngày 5-8-1964, giặc Mỹ bắt đầu cuộc leo thang đánh phá miền Bắc. Người dân nội thành Hải Phòng phải đi sơ tán. Bố tôi công tác ở khu IV, mẹ tôi cùng ông bà nội đã già yếu chèo chống nuôi đàn con trứng gà trứng vịt.

Còn nhớ ngày từ Kiến An về quê, mẹ gánh em út tôi mới hơn một tuổi cùng đồ lề bằng đôi quang thúng. Còn mấy chị em tôi thì lẽo đẽo theo sau. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại chạy cho kịp mẹ.

Mẹ con tôi được cậu (anh mẹ tôi) cho ở trong căn nhà lợp rạ ba gian cũ nát, đã lâu không có người ở vì cả gia đình cậu đi khai hoang ở Bát Xát (Lào Cai).

Đang ở phố, về quê, tôi buồn thiu. Tối đến, nhìn ánh đèn dầu leo lét, tôi không dám ra sân vì sợ ma, nhất là khi nghe tiếng bụi tre kẽo kẹt. Chỉ còn vài tháng nữa là Tết, nhìn khung cảnh làng quê đìu hiu, nghèo xơ xác, tôi chán nản lắm, nuối tiếc những cái Tết nơi phố phường nhộn nhịp. Nhưng rồi, tôi cũng quen dần với cuộc sống mới nơi làng quê yên tĩnh và cũng háo hức đợi chờ cái Tết quê đầu tiên. Thật bất ngờ, cái Tết ấy ở thôn quê có biết bao điều thú vị, mới lạ mà ở phố không có.

Vườn tược khá rộng, được quy hoạch đâu ra đấy. Chỉ có điều, cây cối xác xơ vì không có người chăm. Trước sân đất có hai cây cau cao vút thân mốc thếch. Giữa vườn là cây bòng chua, cành khẳng khiu. Góc sát bờ ao là cây khế thấp lè tè đang ra những chùm hoa tím hồng thật đẹp mắt. Mặt ao, bèo tây phủ kín, hoa nở tím khiến tôi ngỡ ngàng. Thỉnh thoảng, mấy chị bướm đến đậu trên cánh hoa tận hưởng khung cảnh thanh bình của làng quê. Nhưng chị em tôi thích nhất là cây mận cao hơn đầu người, trồng ngay đầu bếp. Mẹ tôi bảo, đó là cây mận cậu tôi mang từ nơi sơn cùng thủy tận về trồng nhân một lần về quê xin giấy tờ cho các anh chị tôi đi học. Có lẽ, cậu yêu quý nơi mình đang sống như quê hương thứ hai nên mới kỳ công như vậy. Chúng tôi lấy đất vườn đắp vào gốc mận cho thành vồng, tưới tắm hàng ngày. Được vun xới, cây mận bắt đầu xanh tốt.

Từ khi biết đến khái niệm Tết, tôi luôn ao ước có một cành đào để cắm. Nhưng ngày ấy, với nhà nghèo, đó là điều xa vời. Còn nhớ một buổi sớm áp Tết, trời rét đậm, đang nằm trong ổ rơm ấm áp với giấc mơ Tết, chúng tôi nghe tiếng mẹ gọi thật vui. Mấy chị em ào ra sân. Không tin ở mắt mình, cây mận như có phép lạ, trên những cành khẳng khiu trổ đầy lộc non, những bông hoa nhỏ xíu đang hé nở như miệng con trẻ chúm chím. Sáng hôm sau, cây mận bừng nở với hàng ngàn bông hoa xòe cánh trắng cùng những búp xanh nõn nà, đẹp đến nao lòng! Có lẽ, tôi nghĩ, hiếm có loài hoa nào trắng và tinh khiết như hoa mận. Biết mình không phải hoa chơi Tết, hoa mận cứ khiêm nhường, lặng lẽ làm đẹp nơi góc vườn. Càng ngắm, tôi càng yêu vẻ đẹp của loài hoa dân dã này. Chiều 30, chị em tôi chặt một cành hoa mận cắm vào cái hũ sành của bà. Quả thật, cành hoa mận đã làm căn nhà thấp tè bừng sáng, tràn ngập không khí Tết. Chị em tôi rất sung sướng cứ ra ngắm vào nghía.

Quê tôi có lệ, trước Tết mấy ngày, người ta tát ao để có tiền tiêu Tết, để ra giêng lo cho “tháng 3 đói dài”. Trẻ con có dịp đi hôi. Đứa nào cũng háo hức chờ giờ phút chủ nhà tháo khoán là ào xuống. Mọi người kiên trì mò mẫm những chú cá gan lỳ chúi sâu dưới bùn. Có đứa tóm được chú cá chuối bằng cổ tay giơ lên khoe. Tất cả reo lên sung sướng.

Những ngày áp Tết, lũ học trò nhỏ chúng tôi không tập trung học được bởi tâm trạng chỉ hướng về Tết. Mỗi đứa tưởng tượng ra điều thú vị, hấp dẫn của Tết cho riêng mình. Với tôi, Tết là được sum vầy, được sống trong sự yêu thương đầy đủ của ông bà, cha mẹ (bố tôi cả năm mới về một lần). Giờ tôi vẫn không quên cảm xúc khi thầy chủ nhiệm chúc Tết dứt lời, chúng tôi xếp hàng vội vã rồi co cẳng chạy về nhà.

Trước đó, cách Tết ba bốn tháng, mẹ tôi đã đánh đụng lợn của bác hàng xóm. Bữa trưa 30, mẹ nhắc tôi đi nhận thịt. Ăn cơm xong, tôi đi luôn, tôi vừa đi vừa tung chiếc rổ lên cao với niềm háo hức không gì tả được. Thấy vậy, một đứa đang cõng em bảo tôi phải đem theo cái liễn, chiếc nồi để đựng tiết và nước xáo. Tôi quay chạy ù về nhà lấy thêm đồ. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh đánh đụng lợn. Đó là một nét bình dị, đầm ấm tình làng nghĩa xóm của thôn quê mà khi trưởng thành tôi mới nhận ra. Sau tiếng eng éc, loáng cái chú ỉn Móng Cái đã được cạo lông sạch sẽ, phanh ra trên chiếc nia. Trẻ con đứng vây quanh bàn tán, chỉ trỏ rôm rả. Bố tôi về phép nên mẹ tôi đụng một phần tư con. Hôm ấy, chị em tôi được chén thỏa thuê tiết canh, lòng lợn. Xóm thôn thậm thịch tiếng giã giò thật vui tai. Ngày ấy khốn khó nên bữa cúng có khoanh giò là sang lắm (thế nên mới có câu “Cỗ nhà ấy khá giả lắm. Giò cắn ngập răng”). Mẹ tôi lọc mỡ rán, tóp cho lẫn vào mỡ để ra giêng chưng mắm tôm thay thức ăn. Tóp mỡ ngày ấy cũng quý, mấy khi được ăn. Mẹ để lại lưng bát con tóp, gọi chị em tôi vào cho mỗi đứa mấy miếng. Miếng tóp thơm, béo ngậy giòn tan trong miệng tưởng không gì ngon hơn! Giờ nhớ lại vẫn thấy còn nguyên hương vị ấy!

Niềm vui nối tiếp niềm vui. Lần đầu tiên tôi hiểu được niềm hạnh phúc tột cùng trong chiều cuối năm bà nội tôi gói bánh chưng. Thú vị nhất khi bà gói cho mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ xíu nhưng vẫn đầy đủ nhân đỗ với thịt. Được ăn ngon, Tết chúng tôi còn được mặc đẹp. Trước Tết gần tháng, mẹ tôi mang tem phiếu ra xếp hàng ở hợp tác xã mua được mấy mét vải phin đen và diềm bâu xanh. Gương mặt tươi vui, mẹ dẫn chị em tôi ra bác thợ may đầu làng đo cắt quần áo. Bác hẹn nửa tháng sẽ xong. Ngày mẹ cầm quần áo về, chị em tôi cuống quýt mặc thử rồi mong Tết đến thật nhanh để được diện. Đúng là “Già được bát cơm canh, trẻ được manh áo mới”. Sáng mồng 1, chúng tôi tụ tập ở đường làng để khoe quần áo mới. Vẻ mặt đứa nào cũng rạng ngời hạnh phúc. Tuy vậy, khi nhìn thấy có mấy đứa nhà quá nghèo nên vẫn mặc quần áo vá, tự nhiên tôi thấy Tết không thật vui!

Giờ tóc đã muối tiêu, Tết đủ đầy, sung túc, nhưng trong ký ức tôi vẫn sống động cái Tết xưa thơ bé năm đầu tiên sơ tán về quê với bao kỷ niệm. Lại ao ước được trở về cái thời đáng yêu ấy!


(Trang
tuanbaovannghetphcm.vn, số Xuân 2020)