Chiều mưa nghĩa địa, mới nghe đã thấy hết vui. Vậy mà có người lang thang trong đó, giữa “những đóa hoa vàng (...) mờ mờ trong sương khói”, “những cây nhang (...) tắt ngúm giữa chừng” mà thắc mắc tại sao “những người xa người không thấy ai đứng dậy?”! “Tôi” cố lội ngược thời gian, nhưng dĩ nhiên vô ích. Nước ơi, muốn trở về nguồn, chỉ có cách hóa mây! (TT)



Trần Vấn Lệ, “Một buổi chiều ở nghĩa địa”



Dạo một vòng nghĩa địa, buồn quá tôi làm thơ. Buổi chiều mưa. Mưa. Mưa. Ðủ cho thơ gợn sóng. Ðủ cho đời bất động bỗng có bàn tay lay... Mưa. Mưa. Mưa. Mưa bay. Ðẹp sao cành liễu rũ. Ðẹp sao là con cú mở mắt nhìn mưa. Mưa...

Ðó, là những câu thơ, tôi bắt đầu như vậy. Những cây nhang hết cháy, nửa chừng, đứng trơ vơ. Những đóa hoa vàng mơ mờ mờ trong sương khói. Ở đây không lời nói chỉ câu hỏi tôi ngân: thơ Vũ Ðình Liên ngập ngừng như chân tôi đang bước. Tôi biết tôi đang ngược một con sông thời gian (và không ai lang thang được trên dòng nước ngược). Nghĩa là tôi cứ bước không tới được chỗ cùng của đời muôn năm cũ...

Tôi vin cành liễu rũ thấy mình thật bơ vơ. Tôi hứng những giọt mưa. Thấy... hình như mình khóc. Tại sao cỏ cứ mọc trên nghĩa trang đây hoài mà những người xa người không thấy ai đứng dậy? Những cây nhang đốt cháy tắt ngúm giữa chừng ơi, nói lên đi một lời cho chiều đừng tĩnh mịch!

*

Chiều nghĩa địa tối mịt khi tôi xong bài thơ. Ðể dưới ánh điện mờ thấy một tờ giấy trắng. Những giọt mưa không nặng mà hồn tôi chìm đâu? Những người muôn năm sau, nghĩ gì muôn năm trước, nghĩ gì tôi bây giờ...

Nếu tôi còn làm thơ, xin cho đời chút đó!