Bài thơ rất nổi tiếng này viết năm 1936. Năm ấy quê đã mấy nghìn tuổi mà vẫn hãy còn khỏe khoắn lắm. Thế rồi thêm có 80 năm nữa, trông lại quê “thôi đã thôi rồi”. Ờ, mà thực ra không phải đã cần đến cả 80 năm đâu, đưa quê xuống suối vàng, chủ yếu là “bàn tay” của cái khoảng độ phần tư thế kỷ gần đây nhất. Chỉ từ khoảng năm 1990, 1991, quê mới bắt đầu chết ào ào, chết như rạ, chết “đại trà”. Có nơi quê mất hẳn “xác”, bị chính thức nhập vào tỉnh (tức thành phố) mở rộng; có nơi xác còn nhưng hồn mất, quê hóa thành những cụm phố giữa đồng! Dân quê bây giờ đêm đêm xem phim Tây phim Tàu phim Nhật phim Hàn. Gái quê bây giờ mặc những món tối tân hơn “khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm” không biết bao nhiêu mà không “làm khổ” trai quê nào cả. Dâu hóa hẳn bể rồi. Ðồng đó, nội kia, nhưng hương thơm gió mát “bay đi hết rồi”! “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?”. (Thu Tứ)



“Chân quê”

Nguyễn Bính




Hôm qua em đi tỉnh về
Ðợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa!
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều!


1936