“Giải phóng miền tây v.v.”




Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh dự kiến sẽ dùng một bộ phận quân chủ lực và binh khí kỹ thuật tiến về đồng bằng sông Cửu Long tiêu diệt nốt Quân đoàn 4 nguỵ nếu chúng còn ngoan cố chống cự. Nhưng phương án này đã không phải thực hiện vì lực lượng tại chỗ của quân dân hai Khu 8 và 9 đã hoàn thành mục tiêu ấy một cách chủ động và sáng tạo với nhiều hình thức đấu tranh (…)

Ngày 30 tháng 4 và mồng 1 tháng 5 cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra đồng loạt theo kế hoạch (…)

Lực lượng địch ở đây có ba sư đoàn 7, 9, 21 (…) thiết giáp, pháo binh (…) giang đoàn (…) bảo an, dân vệ (…) không quân nguỵ từ Tân Sơn Nhất chuyển về.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và Quân khu 4 địch đóng ở Cần Thơ có sư đoàn 21 địch bảo vệ. Tại đây địch chống cự quyết liệt ở tuyến vòng cung ngoại vi, song tình thế của chúng đã tuyệt vọng. Sư đoàn 4 chủ lực của Quân khu 9 đã đánh chiếm sân bay Trà Nóc, sau đó nhanh chóng tiến vào khu trung tâm thành phố. Lực lượng biệt động phối hợp với quần chúng nổi dậy phá trại giam, giải thoát gần 1.000 cán bộ và đồng bào bị địch giam giữ, chiếm đài phát thanh và làm chủ các phường, khóm. Thiếu tướng nguỵ Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 vẫn ngoan cố ra lệnh chống trả mặc dù lúc này tổng thống nguỵ đã tuyên bố đầu hàng. Đến chiều ngày 30 tháng 4, Nguyễn Khoa Nam triệu tập chuấn tướng Mạnh Văn Trường - tư lệnh sư đoàn 21 nguỵ - đến họp để bàn mưu tính kế đối phó với ta. Nhưng (…) các trung đoàn 31, 32, 33 nguỵ cùng phần lớn cơ quan chỉ huy sư đoàn 21 đã vứt bỏ vũ khí, cởi áo lính, trốn về nhà. Nguyễn Khoa Nam tự kết liễu đời mình, chỉ còn một số sĩ quan cao cấp nguỵ ở lại xin đầu hàng ta vào lúc 20 giờ cùng ngày (…)

Chuẩn tướng nguỵ Trần Văn Hai, tư lệnh sư đoàn 7 nguỵ phụ trách bảo vệ Mỹ Tho và căn cứ Đồng Tâm (…) thuộc hạ đã lũ lượt bỏ trốn (…) Trần Văn Hai tự sát lúc 3 giờ sáng ngày mồng 1 tháng 5 (…)

Tại Trà Vinh, sáng ngày 30-4 lực lượng vũ trang tỉnh từ nhiều hướng tiến về thị xã phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân bức hàng các đồn bảo an, chiếm sân bay, trận địa pháo binh. Bộ phận còn lại của địch chạy về dinh tỉnh trưởng chống trả quyết liệt. Nhưng trước khí thế áp đảo của cách mạng đến 10 giờ 30 phút cùng ngày chúng đã buộc phải đầu hàng. Đây là tỉnh được giải phóng sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Gò Công, ngay từ đầu tháng 4 cán bộ binh vận của ta đã móc nối được với nhiểu cơ sở trong các đơn vị bảo an dân vệ nên khi nhận được tin Sài Gòn giải phóng, các lực lượng chính trị của ta đã kịp thời hành động, nổi dậy chiếm thị xã hồi 15 giờ ngày 30-4. Sau đó họ đón hai đại đội địa phương tỉnh về tiếp quản thị xã.

Sư đoàn 9 nguỵ do chuẩn tướng Huỳnh Văn Lạc làm tư lệnh (…) binh lính (…) mất hết tinh thần, nhất loạt bỏ trốn (…)

Cùng ngày 30-4 lực lượng vũ trang và nhân dân giải phóng các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sa Đéc.

Ngày 1 tháng 5, ta giải phóng nốt các tỉnh còn lại: Chương Thiện, Long An, Châu Đốc. Kiến Tường, Bến Tre, Cà Mau (…)

Ta cũng bắt đầu đưa xe tăng và pháo binh xuống tàu để cùng hải quân và không quân tiến đánh đảo Côn Sơn (…) Nhưng lúc tàu sắp rời bến thì được tin (địch đã tháo chạy) (…)

(Phú Quốc được giải phóng khoảng 16 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4)


(Trích chương 17, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)