“Chiến sự ngày 30/4/1975”




Đêm 29 rạng sáng 30-4 (…)

Tiếng súng ầm vang toàn mặt trận. Nhìn những chớp sáng từ các cánh quân ta đang tiến, những ánh lửa hắt lên từ các căn cứ địch quanh Sài Gòn bốc cháy, mọi người đã thấy hửng đông của ngày toàn thắng đang đến (…)

Mũi tiến sâu nhất trong đêm của Quân đoàn 3 đã tới Bà Quẹo; của Quân đoàn 1 đã tiến sát Lái Thiêu; của Quân đoàn 2 tới sát cầu xa lộ sông Đồng Nai; của Quân đoàn 4 là vùng ven Biên Hoà; của Đoàn 232 là vùng Bà Hom. Như vậy các mũi đột kích của ta chỉ còn cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20km.

Đấy là những cây số cuối cùng để nối đất nước lại liền một dải, nối đường Hồ Chí Minh đến trung tâm thành phố mang chính tên Người (…)

Trời hửng sáng, trong mát và đẹp một cách lạ thường (…)

Quân đoàn 3 (…) Đơn vị thọc sâu là Sư đoàn 10 (…) Từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút, pháo ta bắn cấp tẩp vào sân bay. Lửa khói bốc ngút trời. Tiếng pháo vừa dứt, bộ binh trung đoàn 24 ngồi trên xe tăng, xe bọc thép nhanh chóng đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền, thừa thắng phát triển vào cổng số 5 của sân bay. Ở đây địch chống cự quyết liệt dùng cả máy bay oanh tạc vào đội hình chiến đấu của ta. Quân ta tăng thêm lực lượng đột kích liên tục, đến 9 giờ 30 phút thì chiếm được cổng sân bay. Cùng thời gian đó một cánh quân khác đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn Dù nguỵ, bắt liên lạc với phái đoàn quân sự ta ở trại David. Một cánh quân thứ ba đánh thẳng vào khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân và Bộ Tư lệnh Không quân nguỵ (…) Lúc 9 giờ 30 phút, trung đoàn 28 phối hợp với lực lượng của Quân đoàn 1 bắt đầu đánh thẳng vào cổng chính của Bộ Tổng Tham mưu nguỵ.

Quân đoàn 1 tiến công dữ dội căn cứ Lai Khê trên đường số 13 cách Sài Gòn hơn 50km về phía bắc (…) Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy (…) tự sát, tên phó của hắn chạy trốn, cơ quan tham mưu bị ta bắt gọn (…) Sư đoàn 312 (…) tiêu diệt và bức hàng toàn bộ quân địch ở căn cứ Phú Lợi (…) Dự đoán đúng đường rút lui của địch, quân ta bố trí chốt tại khu vực An Lợi trên đường số 14, bắt 36 xe và 1.200 tên địch. Tại khu vực Búng trên đường số 13 quân ta bắt 7.000 tên thuộc Sư đoàn 5 ngụy đang chạy về Lái Thiêu (…) Sư đoàn 320 (là đơn vị thọc sâu của Quân đoàn 1) đánh chiếm Lái Thiêu, tiến về cầu Bình Phước đã được bộ đội đặc công chiếm giữ từ mờ sáng. Trên đường tiến (…) tiêu diệt và bắt 180 xe các loại của lữ đoàn 3 kỵ binh nguỵ, sau đó phát triển về khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch ở Gò Vấp. Một cánh của sư đoàn triển khai đánh địch từ ngã tư cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu, diệt và làm tan rã nốt lực lượng còn lại của lữ 3 kỵ binh, bắt xe tăng địch dẫn đường cho ta tiến về Bộ Tổng Tham mưu nguỵ (…)

Quân đoàn 4 từ 7 đến 9 giờ sáng tập trung lực lượng đánh chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 3 nguỵ ở Hốc Bà Thức sát sân bay Biên Hoà, đánh tan quân địch chống cự ở Hố Nai, Tam Hiệp, chuẩn bị tiến vào Sài Gòn.

Quân đoàn 2 (…) cho binh đoàn thọc sâu, với sự chi viện của ba trận địa hoả lực, có đặc công, biệt động dẫn đường, bắt đầu vượt cầu xa lộ sông Đồng Nai tiến thẳng vào nội thành Sài Gòn (…) 9 giờ 30 phút bộ phận đi đầu đến cầu Rạch Chiếc (…)

Đoàn 232 (…) Những bộ phận đi đầu (…) đang tiến gần Biệt khu thủ đô và Tổng Nha cảnh sát nguỵ. Trên đường số 4, ta vận động tiến công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 22 nguỵ mới khôi phục, Liên đoàn 6 biệt động quân, giải phóng thị xã Tân An, đánh chiếm chi khu Thủ Thừa.

Cũng trong sáng ngày 30 tháng 4, để hòng vớt vát được chút gì, nguỵ quyền Sài Gòn triệu tập một cuộc họp các “tổng trưởng” (…) Giữa lúc cả cái “triều đình” cuối cùng của chế độ do Mỹ dựng lên ngồi trong “Dinh Độc lập” thì cửa phòng mở (…) Người bước vào là tên tướng (Pháp) Va-nuy-xem.(1) Tên này (…) ngăn việc đem đi phát thanh cuộn băng ghi âm lời “tổng thống” nguỵ đề nghị “ngừng bắn để cùng thảo luận về bàn giao chính quyền”. Rồi hắn gặp Dương Văn Minh, bày kế chặn cuộc tổng công kích của ta vào Sài Gòn. Mưu ma chước quỷ của Va-nuy-xem thật là nực cười, hành động thật là thô bạo, trắng trợn, nói nhiều ra chưa tiện, nhưng (nếu thực hiện chắc chắn) cũng không giúp được nguỵ quyền đảo ngược tình thế. (Dương Văn Minh không nghe theo Va-nuy-xem) Cuộn băng ghi âm tiếp tục được đem đi phát thanh (…)

Bộ Chính trị chỉ thị ngay cho mặt trận: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch” (…)

Các cánh quân tiến nhanh về năm mục tiêu chính rồi từ đó toả ra như năm bông sen.

Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng Tham mưu và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy.

Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (…)

Quân đoàn 4 chiếm Bộ Quốc phòng nguỵ, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh.

Đoàn 232 chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng Nha cảnh sát nguỵ.

Quân đoàn 2 chiếm “Dinh Độc lập” (…) Bộ đội ta xông ngay lên nơi “nội các” nguỵ đang họp và bắt ngay tại chỗ toàn bộ đầu sỏ nguỵ quyền trung ương, gồm cả “tổng thống” nguỵ (…) Cờ cách mạng tung bay trên “Dinh Độc lập”. Lúc ấy là 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 (…)

Tại Sở chỉ huy mặt trận, chúng tôi mở các máy thu thanh để nghe “tổng thống” nguỵ xin hạ vũ khí đầu hàng quân ta không điều kiện.

Sài Gòn hoàn toàn giải phóng! Toàn thắng! Chúng ta toàn thắng rồi! (…)

Sở chỉ huy (…) tưng bừng như cả mùa xuân ập đến (…) mừng vui không gì tả được (…) Tất cả chúng tôi nghẹn ngào (…) Đồng chí Đinh Đức Thiện mắt đỏ hoe nói: “Bây giờ nếu có nhắm mắt cũng yên lòng” (…)

Điện của Bộ Chính trị gửi cho chúng tôi: “Đã nhận được tin ta đã cắm cờ trên “Dinh Độc lập”, gửi các anh lời chúc mừng đại thắng. Bộ Chính trị rất vui!”.

Và có cả tiếng nói từ trái tim Tổ quốc qua máy điện thoại truyền đến chúng tôi: “Chúc mừng đại thắng. Các anh trong ấy có nghe thấy tiếng pháo nổ không? Hà Nội đang ran tiếng pháo đấy”.

Cả Hà Nội đổ ra đường, đốt pháo, tung hoa, vẫy cờ (…)

Chúng tôi vui quên ăn, quên nghỉ. Và chúng tôi đã khóc. Phải, nước mắt chỉ để dành cho ngày toàn thắng hôm nay (…)

Ý nghĩ đầu tiên của chúng tôi vào giây phút đầu tiên của toàn thắng là nghĩ về Bác Hồ kính yêu (…) Nhân dân và quân đội ta sung sướng báo cáo với Bác rằng, điều căn dặn của Bác đã được thực hiện hết sức tốt đẹp. Hôm nay vẫn có tiếng chuông reo trên nhà sàn của Bác báo tin thắng trận (…)


(Trích chương 17, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)