Võ Nguyên Giáp, “Giá như còn Bác...”




Ngày 30 tháng 4 năm 1975 (…)

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn thắng lợi (…)

Hội nghị ngừng họp (…) xúc động trào nước mắt (…) ai nấy đều nhớ đến Bác Hồ. Ước mơ nước nhà độc lập, thống nhất của Bác vừa thành sự thật, nhưng Người đã đi xa! (…)

Mọi người nghĩ đến biết bao đồng chí, đồng đội, đồng bào đã ngã xuống, không được thấy giờ phút khải hoàn. Ngay trong chiến dịch cuối cùng, bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn ra đi (…)

Tôi chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị điện ngay cho Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền tin thắng lợi (…) Chỉ mười lăm phút sau, đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi (…) Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường (…)

Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn.

Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra.

“Giá như còn Bác” (…)

Tôi lên xe đi một vòng quanh Hà Nội. Cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc nào. Người đi chật phố, chật đường, vui như trảy hội. Đêm nay, Thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Đêm nay, Hà Nội, cả nước vui với Sài Gòn, vui với Miền Nam (…)

*

Ngày 2 tháng 5 năm 1975, trên toàn Miền Nam đã sạch bóng quân thù (…)

Tình cờ lịch sử thú vị: Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX đã kết thúc bằng một cuộc chiến đấu dài gần bằng nhau. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm là thời gian cần thiết cho trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”, thì 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy ở Miền Nam lại là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, “thần tốc”, nhanh đến không ngờ!


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1337-1344)