“Chiến sự ngày 28 và 29/4/1975”




Chiều ngày 28 tháng 4, nguỵ quyền Sài Gòn diễn màn kịch cuối cùng (…) Trần Văn Hương từ chức, nhường ghế tổng thống cho Dương Văn Minh. Dương Văn Minh kêu gọi quân đội nguỵ “bảo vệ lãnh thổ”, “không buông vũ khí” (…)

15 giờ 40 phút, một biên đội gồm năm chiếc A-37 do các đồng chí của ta lái, Nguyễn Thành Trung dẫn đường, đã cất cánh từ sân bay Thành Sơn đi đánh Tân Sơn Nhất (…) Khi máy bay ta tới vùng trời Tân Sơn Nhất thì đài chỉ huy địch ngơ ngác hỏi: “A-37 của phi đoàn nào? Phi đoàn nào? Phi đoàn nào?”. Các chiến sĩ ta trả lời: “Máy bay của Mỹ chế tạo đây!”. Tiếp theo là một loạt, hai loạt và nhiều loạt bom trút xuống dãy máy bay địch. Chuỗi tiếng nổ làm rung chuyển Sài Gòn và những cột khói lớn bốc cao (…)

*

5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, các cánh quân ta đồng loạt nổ súng tiến công vào nội thành Sài Gòn (…)

Ở hướng đông, (Quân đoàn 2) Sư đoàn 325 đã làm chủ chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và đã phát triển đến phà Cát Lái, đang chuẩn bị cho bộ đội vượt sông đánh vào Quận 9. Trận địa pháo tầm xa đặt ở Nhơn Trạch bắn một chập hơn 300 quả đạn pháo xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếng nổ lay chuyển cả đường phố Sài Gòn (…) Loạt pháo này vừa dứt thì một đơn vị của Quân đoàn 2 đã tiến tới đông bắc cầu xa lộ Đồng Nai, bắt liên lạc được với đoàn 116 bộ đội đặc công đang giữ vững đầu cầu (…) Sư đoàn 304 từ mờ sáng tổ chức một đợt tiến công quyết liệt vào số quân địch còn lại ở căn cứ Nước Trong. Đến gần trưa, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, phát triển ra đường số 15 và chập tối đến phía nam căn cứ Long Bình (…) Binh đoàn thọc sâu gồm một lữ đoàn xe tăng và một trung đoàn bộ binh tập kết bí mật trong rừng cao-su phía nam Dầu Giây chờ lệnh tiến vào Sài Gòn (…) Lúc 15 giờ (…) xe nối xe bắt đầu tiến về phía nội thành Sài Gòn (…)

Vẫn ở hướng đông, Quân đoàn 4 (…) Sau khi chiếm một số mục tiêu dọc đường số 1 (…) phát triển tiến công về Hố Nai, ngoại vi Biên Hoà, vào Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 nguỵ và sân bay Biên Hoà nhưng bị chặn lại. Đấy là điểm yết hầu liên quan đến tuyến phòng thủ của địch ở Sài Gòn cho nên địch liều mạng giữ. Tại đây đã diễn ra nhiều trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Tiến theo sau Quân đoàn 4 có lữ đoàn 52 thuộc Quân khu 5 mới từ Quy Nhơn hành quân cấp tốc bằng cơ giới vào để kịp tham gia chiến dịch làm đội dự bị cho Quân đoàn 4 và cả cánh quân phía đông (…)

Ở hướng bắc, Quân đoàn 1 đã bao vây căn cứ Phú Lợi, đánh chiếm Tân Uyên trên đường tới Lái Thiêu (…) Một binh đoàn thọc sâu sẽ tiến vào Sài Gòn theo hướng Bộ Tổng Tham mưu nguỵ và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy ở Gò Vấp (…)

Ở hướng tây bắc, Quân đoàn 3 đã tiến công quyết liệt và đánh bại các đợt phản kích của địch, đến 14 giờ ngày 29-4 làm chủ căn cứ Đồng Dù, căn cứ Trảng Bàng. Sư đoàn nguỵ số 25 bị xóa sổ, tên chuẩn tướng sư trưởng Lý Tòng Bá bị bắt. Trong đêm 28, bộ đội đặc công đã đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng trên đường số 1, nhờ đó binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 3 nhanh chóng vượt qua Hóc Môn, buộc toàn bộ trung tâm huấn luyện Quang Trung của địch đầu hàng rồi tiến một mạch xuống đến Bà Quẹo (…) tạm dừng lại và khẩn trương chuẩn bị trận đánh vào sân bay.

Ở hướng tây nam, ta đánh chiếm xong thị xã Hậu Nghĩa, diệt quận lỵ Đức Hoà, bức rút Đức Huệ, Trà Cú, mở đường hành lang trên sông Vàm Cỏ Đông. Tàn quân địch từ Hậu Nghĩa chạy về Củ Chi. Ta chặn bắt trên 1.000 tên. Binh đoàn thọc sâu của Đoàn 232 với các loại vũ khí nặng đã vượt sông Vàm Cỏ Đông, tập kết ở vùng Mỹ Hạnh, một trung đoàn đến khu vực Bà Hom (…) Trên đường số 4, ta tiếp tục cắt đường, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch.

Chúng tôi nghe báo cáo (…) thấy rằng (…) tình huống diễn ra rất tốt, đúng như kế hoạch (…) Quân ta đã (…) đánh chiếm các căn cứ, vị trí của địch ở vòng ngoài (…) bao vây, ngăn chặn, tiêu diệt, làm tan rã phần lớn các sư đoàn số 5, số 25, số 18, số 22, số 7 (và) chiếm được các cầu quan trọng quanh Sài Gòn.

Cao Văn Viên, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng nguỵ, ký chưa ráo mực lệnh “tử thủ bảo vệ đến cùng những phần đất còn lại” thì đã bỏ chạy (…) Tên tư lệnh Quân đoàn 3 nguỵ và tên chuẩn tướng sư trưởng Sư đoàn 22 nguỵ cũng đã bỏ đơn vị (…) Trong thành phố Sài Gòn, chỉ còn hai tiểu đoàn dù nguỵ giữ ngã tư Bảy Hiền (…)

Bộ chỉ huy chiến dịch gửi điện xuống tất cả các đơn vị trước 00 giờ ngày 30-4-1975: (…) Tất cả các binh đoàn thọc sâu tiến gấp, tiến thẳng đến các mục tiêu đã quy định, bỏ qua những mục tiêu khác dọc đường, không để bị vướng mắc làm chậm tốc độ hành quân.


(Trích chương 16, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)