Bài lục bát chữ Hán sau đây không chắc của Lê Thánh Tông. Vào thời vua ấy mà thơ sáu tám ro ro như thế, nghi lắm.(1)

Thơ Như Thiết Như Tha người Việt đọc thấy kỳ cục hết sức. Nhưng nó có chỗ giống thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Khuyến v.v. Giống vì cùng làm bằng tiếng nói của một dân tộc mà lại làm theo thể thơ của một dân tộc khác.

Người Việt thưởng thức được thơ tiếng Việt luật Tàu (như thơ Thanh Quan, thơ Xuân Hương, thơ Nguyễn Khuyến) là sau một quá trình tiếp xúc lâu dài với thơ Tàu. Còn người Tàu không biết thơ Việt, nên nếu gặp thơ tiếng Tàu luật Việt như Như Thiết Như Tha, chắc chắn cũng thấy nó kỳ cục hết sức y như ta thấy nó!

(Thu Tứ)

(1) Theo một số nhà nghiên cứu, thể thơ sáu tám chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 15.



Lê Thánh Tông, “Như thiết như tha”


(Bài thơ này nằm trong truyện Con Chuột Thành Tinh, trong tác phẩm
Thánh Tông di thảo tương truyền của Lê Thánh Tông. Tên bài thơ do người chọn tạm đặt.)


“Tư quân như thiết như tha,
Thức hà khả khiết, ma hà khả lân.
Thiết tha tâm bội tư quân,
Như sơn dũ tuấn, như vân dũ trường!
Gia nương y ngã gia nương,
Kim khuê tâm loạn, tha hương thần trì.
Hồ nhiên sử ngã tâm bi,
Ngọa thì bất thụy, thực thì bất cam.
Ðông tiêu hạ nhật nan kham,
Thiếp thì bất kiến thu tam tình nồng.
Biệt ly oán ngã thiên công,
Du ngư vô tín, quy hồng vô thư.
Du du cận nhất niên dư,
Khuê thâm dạ tĩnh, vấn cừ như ti (tư).
Cổ lai đa vị tình si!”

Dịch (Bùi Văn Nguyên):

“Nhớ ai luống những thiết tha,
Sầu ta khôn rửa, tình ta khôn mài.
Thiết tha luống những nhớ ai,
Sầu cao như núi, tình dài như mây.
Nàng ơi, có thấu nỗi này,
Buồng the canh cánh não người tha hương.
Vì ai ta phải nhớ thương,
Ăn thường ăn gượng, nằm thường nằm mơ.
Ðêm đông, ngày hạ thẫn thờ,
Một giây cách mặt, ba thu tình dài.
Biệt ly, oán nỗi tại trời,
Ngư nhân tin vắng tháng rồi ngày qua.
Một năm đằng đẵng có thừa,
Buồng không đêm vắng, nàng ngơ sao đành!
Xưa nay bao kẻ si tình.”