“Chiến sự ngày 26 và 27/4/1975”




Ngày 22 tháng 4, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng điện cho chúng tôi:

“Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi (…) Các anh ra chỉ thị ngay cho các hướng (…)”.

Ngày 22 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh (…) Với sự có mặt của đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị Trung ương Đảng tại Mặt trận, và các đồng chí khác trong Bộ chỉ huy chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy, và tôi, Tư lệnh chiến dịch, cùng ký vào bản quyết tâm (…)

Muốn bảo đảm tiến công đúng thời gian quy định, trên cả 5 hướng đều phải khắc phục rất nhiều khó khăn. Hướng tây bắc, bắc và tây nam phải đưa lực lượng trong đó có binh khí kỹ thuật nặng vượt sông Bé và sông Vàm Cỏ Đông, bao vây hoặc tiêu diệt, bức hàng hệ thống đồn bốt và lực lượng địch ở Hậu Nghĩa, Củ Chi, Phú Lợi (…) Hướng đông và đông nam phải đánh chiếm được Biên Hoà, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Thành, đặt được trận địa pháo ở Nhơn Trạch để khống chế sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay Biên Hoà thì đã bị trận địa pháo của ta ở Hiếu Liêm khống chế, địch phải di chuyển máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Bình Thuỷ (ở Cần Thơ) (…)

*

17 giờ ngày 26 tháng 4, tiếng súng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nổ ở hướng đông (…)

Sáng ngày 27 tháng 4 đồng loạt các hướng đánh vào vùng ven Sài Gòn (…)

Tối ngày 27 tháng 4 (…) tại Sở chỉ huy chiến dịch tình hình được tổng hợp như sau:

Ở hướng đông, Quân đoàn 2 nổ súng đúng vào 17 giờ ngày 26 tháng 4. Gần chục tiểu đoàn pháo binh trút bão lửa lên đầu giặc. Tiếng pháo vừa dứt, quân ta từ các rừng cao-su ào ào xông lên theo tiếng kèn đồng vang khu rừng. Trong vòng chưa đầy hai giờ, Sư đoàn 304 chiếm được trường huấn luyện thiết giáp, một phần căn cứ Nước Trong. Ở đây (…) (được máy bay yểm trợ) địch ngoan cố chống cự và phản kích suốt cả ngày 27. Ta tổ chức liên tiếp nhiều đợt tiến công nhưng chưa giải quyết được (…) Sư đoàn 325 đánh chiếm chi khu Long Thành, vượt đường 15 giải phóng Phước Thường và bao vây Long Tân. Sư đoàn 3 của Quân khu 5 lúc này thuộc quyền chỉ huy của Quân đoàn 2 (…) sau 3 giờ chiến đấu đã chiếm được chi khu Đức Thạnh, 15 giờ ngày 27 tháng 4 giải phóng hoàn toàn thị xã Bà Rịa, đang phát triển về hướng Vũng Tàu thì địch đánh sập cầu Cổ May. Sư đoàn 3 phải dừng lại để chờ sửa cầu (…) Quân đoàn 4 tác chiến theo trục đường số 1 đánh chiếm chi khu Trảng Bom, phát triển về hướng Biên Hoà nhưng bị địch chặn lại. Địch lập tại đây một tuyến phòng thủ (…) tại đây lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, địch xây các tuyến hào chống tăng.

Ở hướng tây nam, ta cắt đứt đường số 4 từ cầu Bến Lức đến ngã ba Trung Lương về phía bắc phà Mỹ Thuận và đoạn từ Cai Lậy đến An Hữu (…) Đoàn 232 đã sử dụng một sư đoàn mở cửa đánh chiếm đầu cầu ở An Ninh, Lộc Giang trên sông Vàm Cỏ để đưa lực lượng đột kích chủ yếu là Sư đoàn 9 và binh khí kỹ thuật qua sông (…) Các trung đoàn độc lập 24 và 88 đang tiến lên phía nam Quận 8.

Ở hướng bắc, Quân đoàn 1 tiêu diệt một số trận địa pháo địch và làm chủ đường số 16, đã vào cách Thủ Dầu Một bảy cây số về hướng bắc.

Ở hướng tây bắc, Quân đoàn 3 trong một ngày đêm diệt 11 trong số 18 trận địa pháo địch, cắt đường số 22 và đường 1 (…) bức một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 50 nguỵ (Sư đoàn 25?) đầu hàng.

Các đơn vị đặc công đã chiếm cầu Rạch Chiếc, Rạch Cát, cầu Ghềnh, cầu xa lộ sông Sài Gòn v.v. (…) Địch ngoan cố phản kích liên tục. Có nơi ta và địch giằng co quyết liệt, đánh đi chiếm lại mấy lần, cuối cùng các chiến sĩ đặc công ta giữ chắc được (…) Một đơn vị đặc công và trung đoàn Gia Định đánh chìếm và làm chủ con đường vành đai Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Phước đến Quán Tre và mở cửa qua các vật chướng ngại phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị cho bộ đội chủ lực tiến công.

Chúng tôi đánh giá chung là các hướng đã cơ bản thực hiện được kế hoạch, riêng hướng đông có gặp một số khó khăn phải tập trung giải quyết bằng được trong ngày 28 tháng 4, nhất là việc triển khai trận địa pháo ở Nhơn Trạch (…)


(Trích chương 15 và chương 16, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)