Ðất cũng không dày là mấy, bất quá dăm ba mét. Thế mà bao nhiêu di vật của tổ tiên nằm ngổn ngang, đố con cháu có hay! Miệng nhà quan... khảo cổ Tây có gang có thép, bác được lời không dễ đâu. Cái việc ngành khảo cổ non trẻ của ta đã giành văn hóa Ðông Sơn lại được cho nước Văn Lang là thành tích rất lớn. (Thu Tứ)



“Tìm hiểu Ðông Sơn” (4)

Hoàng Xuân Chinh




Từ năm 1960 đến năm 1967, công tác thăm dò, khai quật các di tích văn hóa Ðông Sơn được triển khai trên lưu vực sông Hồng, sông Mã.

Mở đầu là cuộc khai quật di chỉ Thiệu Dương thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa năm 1960, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Boriskovsky, chuyên gia khảo cổ Liên Xô (cũ) (...) Ðây là cuộc khai quật quy mô lớn đầu tiên một di tích văn hóa Ðông Sơn bên bờ sông Mã, phát hiện hàng loạt mộ táng huyệt đất với rất nhiều đồ tùy táng bằng đồng, đồ gốm và đồ trang sức bằng đồng và bằng đá (...) cuối năm 1961, Ðội Khảo cổ (...) trở lại khai quật di tích Ðông Sơn, gần khu vực trước đây Pajot và Janse khai quật (...) phát hiện hàng loạt mộ đất cùng một số mộ thời Bắc thuộc (...) với nhiều đồ tùy táng bằng đồng và đồ gốm.

(...)

Trên lưu vực sông Hồng (...) phát hiện các di tích Ðào Thịnh, Yên Hưng, Yên Hợp thuộc tỉnh Yên Bái; Vạn Thắng, Chính Nghĩa, Thanh Ðình, Phú Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Phú; Phượng Cách, Hồng Dương, Nam Chính, Châu Can thuộc tỉnh Hà Tây; Việt Khê thuộc thành phố Hải Phòng.

Trên lưu vực sông Mã, phát hiện các di tích Phà Công, Núi Nấp, Núi Sỏi, Hoàng Lý, Quỳ Chử thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Trên lưu vực sông Cả, phát hiện di tích Xuân An thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ðáng lưu ý, thời gian này cũng là thời kỳ phát hiện được nhiều di tích có nhiều đồ đá mài nhẵn đẹp, đồ gốm hoa văn phong phú cùng một ít đồ đồng còn rất hiếm hoi (...) mà sau này được các nhà khảo cổ xem là di tích Tiền Ðông Sơn. Ðó là các di tích Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, Nghĩa Lập, Gò Tro Trên, Gò Tro Dưới thuộc tỉnh Vĩnh Phú; Văn Ðiển, Ðồng Vông thuộc thành phố Hà Nội; Tây Ðằng, Cam Phượng, Hoàng Ngô, Ðồng Dền thuộc tỉnh Hà Tây; Từ Sơn, Ðông Lâm thuộc tỉnh Hà Bắc; Ðông Khối thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Có thể nói thập kỷ 60 là những năm được mùa của (công tác tìm hiểu) văn hóa Ðông Sơn (...) Kết quả của những mùa điền dã này (đã được trình bày trong nhiều bản báo cáo) (...) Ðáng chú ý hơn cả là công trình Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam (Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh và Nguyễn Linh 1963) đã giới thiệu tương đối đầy đủ các di tích văn hóa Ðông Sơn và Tiền Ðông Sơn (...) được phát hiện cho đến năm 1963 và bước đầu phê phán một số quan điểm trước đây của các học giả nước ngoài về văn hóa Ðông Sơn.

Chỉ trong một thập kỷ công tác, ngành khảo cổ học nước ta đã đưa ra khỏi lòng đất một khối lượng tư liệu đồ sộ về văn hóa Ðông Sơn, vượt gấp nhiều lần tư liệu người Pháp để lại (...) Có thể nói, đó là nguồn tư liệu chủ yếu để giới khảo cổ học và sử học nước ta đi sâu tìm hiểu thời kỳ dựng nước (...) của dân tộc, mà truyền thuyết gọi là (thời) Hùng Vương (...)

Đợt tập trung ba năm (1968-1970) nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương của toàn ngành khảo cổ học và sử học nước ta do Viện Khảo cổ học đề xướng và chủ trì. Tromg giai đoạn này, cùng với việc mở rộng diện điều tra, thám sát, phát hiện thêm nhiều di tích mới, Viện Khảo cổ học trở lại khai quật di tích Ðông Sơn lần thứ hai. Trên lưu vực sông Hồng, VKCH khai quật di tích Vinh Quang, Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội tập trung nghiên cứu khu vực Cổ Loa. Kết quả (...) là bốn tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước (của) VKCH và công trình Thời đại Hùng Vương của Viện Sử học. Các công trình này khẳng định nguồn gốc bản địa của văn hóa Ðông Sơn cùng địa vực phân bố của văn hóa Ðông Sơn là Bắc bộ và bắc Trung bộ, bước đầu hình dung được các bước phát triển văn hóa Tiền Ðông Sơn trên lưu vực sông Mã, sông Hồng tiến đến hình thành văn hóa Ðông Sơn chung (...)

Các công trình khẳng định sự tồn tại của một nền văn hóa phong phú, độc đáo, phát triển cao, đạt đến trình độ hình thành một nhà nước sơ khai (...)


(Hoàng Xuân Chinh, “Lịch sử phát hiện và nghiên cứu”, tức chương I trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)