“Ảo tưởng về Tây”




Hỏi: Ai ảo tưởng đây? Ảo tưởng đại khái ra sao?

Đáp: Một số đồng bào. Họ tưởng Tây phương hay vô cùng về mọi mặt. Cái nghĩ rất sai của họ làm văn hóa Việt Nam suy thoái trầm trọng, thậm chí làm lệch lạc nhận thức lịch sử dân tộc, nên tôi thấy cần nêu một số sự thực về Tây phương.

Hỏi: Ta bắt đầu thế nào?

Đáp: Trước tiên tôi xin thưa là sẽ chủ yếu dẫn chứng trường hợp nước Mỹ, bởi Mỹ là Tây phương tiêu biểu. Xin bắt đầu bằng cách ngược thời gian vài mươi năm.

Hồi tháng 10-1989, ở thành phố Newport Beach (bang California) đã diễn ra một cuộc hội luận giữa Đức Ðạt lai Lạt ma với tám vị nhân sĩ Mỹ. Vào dịp này, phía Mỹ đã đưa ra nhiều sự kiện và kiến giải đáng chú ý về đất nước mình.(TGHĐ)

Daniel Goleman: “Thảm kịch gia đình thực sự nhiều hơn ở các nước khác (...) Tại một số đô thị, gần một nửa cú điện thoại gọi cảnh sát là do xung đột trong gia đình”.(DG) Stephen Levine: “Chúng tôi có nhiều trẻ em bị bạo hành hơn các nơi khác (…) Khi con người không cảm thấy mình được yêu thì họ nhìn người khác như một đồ vật (...) gây đau khổ, thương tổn cho người khác”.(SL) Daniel Brown: “Gia đình tan vỡ khiến con người cảm thấy cô đơn, do đó họ đối xử với người khác một cách ít tính người (…) Xã hội có quá nhiều chuyện bạo động (và có) quá nhiều cảnh bạo động trên truyền hình, trong phim ảnh (…) Nhiều kẻ bạo hành trẻ em có một tâm thức thay đổi, bệnh hoạn”.(DB)

Hỏi: Thế còn Đức Đạt lai Lạt ma đã nhận định thế nào về xã hội Mỹ?

Đáp: Ngài phát biểu: “Chiều hướng thay đổi ở quý quốc không được lành mạnh. Sớm muộn quý vị cũng phải làm điều gì đó. Tốt hơn là làm khi quý vị còn sức để làm. Trong ba thập kỷ qua, theo tôi, có vẻ quí vị đã đi nhầm hướng. Thật đáng buồn”.

Hỏi: Tại sao “ba thập kỷ qua”?

Đáp: Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, vì một số lý do, xã hội Mỹ trở nên mỗi lúc một “tự do” hơn.(TS) Đến khoảng cuối thập kỷ 1950, phong trào “liberalism” bắt đầu quá độ. Nó sẽ dẫn tới một kết quả tích cực là giảm hẳn sự kỳ thị trắng trợn đối với người da đen. Nhưng cùng lúc nó sẽ làm xảy ra những hiện tượng xã hội khiến, chẳng hạn Đức Đạt lai Lạt ma, lấy làm lo âu…

Hỏi: Sau bày tỏ lo âu trên của Ngài…

Đáp: “Quí vị” tiếp tục “đi nhầm hướng”.

Ngày 19-8-2002, tuần báo Time báo cáo tình hình sức khỏe tâm lý người Mỹ: “ngày càng nhiều thanh thiếu niên bị chẩn đoán là mắc bệnh rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), trước đây thường gọi là chứng trầm uất điên loạn (maniac depression)”. Chỉ trong vòng một thế hệ, tuổi trung bình của những người mắc loại bệnh tâm thần này đã trụt từ hơn 30 xuống khoảng 18, 19. Chứng rối loạn lưỡng cực có nhiều biểu hiện: tính khí thay đổi bất thường, lúc kiêu ngạo hoang tưởng lúc tự coi rẻ mình, lúc cực ồn ào hiếu động lúc câm nín ù lì, hay cãi cọ, chống đối, gây gỗ, bắt nạt, hay đổ lỗi cho người khác, nói dối để trốn trách nhiệm, hay lên cơn giận điên cuồng kéo dài, đập phá đồ đạc, hăm dọa người khác, hăm dọa tự tử, thích cảnh máu thịt bầy nhầy! v.v.

Ngày 20-1-2003, Time lại báo cáo: “Do tình trạng gia đình tan rã mỗi lúc thêm trầm trọng, các chuyên gia cho biết họ đang chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh rối loạn cá tính (personality disorder) hơn từ trước đến nay. Khoảng 9% dân số đang mắc chứng này...”. Bệnh gồm hơn mười loại, triệu chứng đại khái là hoặc có thái độ hung hăng, hay gây hấn, hoặc ứng xử đầy kịch tính, phản ứng quá khích, hoặc có khuynh hướng tự lừa dối, hoang tưởng; khó chữa trị nhất là loại bệnh tự yêu mình (narcissism). Người bị rối loạn cá tính đa số vừa từng là nạn nhân của bạo hành trẻ em hay bạo động nói chung, vừa đang là thủ phạm gây ra chính những vấn nạn xã hội đó…

Hỏi: Hãy bàn luôn đến nạn bạo động.

Đáp: Năm 1996, một bài nghiên cứu công phu đăng trên trang Americanheritage.com (di sản Hoa Kỳ) mở đầu bằng câu: “BẠO ĐỘNG là vấn đề căn bản của lịch sử Mỹ, là mặt trái của “đồng tiền” mà mặt bên kia là tự do và giàu có”.(DC)

“Năm 2019, tính đến ngày 6-3, số người Mỹ bị bắn chết đã vượt quá số lính Mỹ tử trận trong ngày đầu của cuộc đổ bộ lên Normandy năm 1944”.(WP) Đất nước thái bình mà chỉ trong khoảng hai tháng, hơn 2.501 người dân trúng đạn tử thương!

Mấy năm qua, tình hình xấu thêm. “Năm 2023, tính đến ngày 1-5, ít nhất 13.959 người Mỹ đã thiệt mạng do súng, tức là trung bình mỗi ngày 116 người”.(ABC)

Hỏi: Trong số đông đảo nạn nhân, có những người bị giết “hàng loạt”…

Đáp: Nếu định nghĩa là từ bốn nạn nhân trở lên, thì trong bốn tháng đầu của năm 2023 đã xảy ra 184 vụ.(ABC) “Kỷ lục” về “mass killings” được lập ở thành phố Las Vegas ngày 1-10-2017. Hôm ấy hung thủ từ lầu cao xả súng xuống đám đông tụ tập nghe nhạc khiến 60 người chết, 411 người bị thương, nếu tính cả những người bị giày xéo do hoảng loạn thì số thương lên đến 867.(EW-1)

Hỏi: Giết như vậy là giết những người không có thù hằn gì với mình…

Đáp: Sát nhân vô cớ còn được thực hiện theo cách âm thầm, không ai biết có chuyện gì đang xảy ra cả, cho đến khi vụ việc bị phát hiện, nếu có bị phát hiện. Tôi muốn nhắc đến lối giết người lần lượt (“serial killings”). Đây hung thủ sát hại bất cứ ai dễ sát hại, mỗi lần chỉ đúng một người, ra tay xong lập tức di chuyển đến địa phương khác, tìm mục tiêu mới. Hung thủ số 1 cho tới nay là Samuel Little (1907-2005), với 60 vụ được FBI xác nhận, còn theo chính y thì số nạn nhân là 93.(EW-2) Đại học Michigan ước lượng tính đến năm 2020 nước Mỹ đã có 3.613 những kẻ sát nhân như vậy.(UM) Các nước khác cũng có vấn đề này, nhưng trang worldatlas.com cho biết nước Mỹ “đóng góp” tới khoảng 68% tổng số những kẻ đã bị phát hiện trên thế giới.

Hỏi: Ở Mỹ, ngoài bạo động giữa dân với dân, còn có nạn cảnh sát bạo hành dân…

Đáp: Ngày 11-5-2015, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu quở trách nước Mỹ về chuyện này. Tình hình không cải tiến. “Năm 2022, có 1.096 người Mỹ bị cảnh sát bắn chết”.(ST) Để ý rằng đây là bắn, có khi xả súng thật dữ dội, khi hoàn toàn không cần thiết. Ngày 29-11-2012, ở thành phố Cleveland (bang Ohio), mười ba cảnh sát bắn tổng cộng 137 phát vào hai nạn nhân không vũ trang!(ENW-3) Tính từ năm 2015, gần một phần ba số nạn nhân là những người đang chạy trốn, nhiều người chỉ phạm luật lái xe hay không hề bị tình nghi là phạm trọng tội.(GD) Nhân viên công lực ở Mỹ còn bạo hành dân theo một cách khác. Trang cnn.com ngày 19-105-2018 đăng tin: “Từ năm 2005 đến năm 2013, đã xảy ra 405 vụ cảnh sát Mỹ phạm tội hiếp dâm”.

Hỏi: Hình như ở Mỹ tỉ lệ dân bị giam giữ rất cao…

Đáp: Kể cả những trường hợp tạm giam chờ xử, từ lâu Mỹ là “nhà quán quân thế giới”. Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Tư pháp, vào cuối năm 2016 nước Mỹ có hơn 2,2 triệu tù nhân. Tức là các nhà tù Mỹ cộng lại đông “dân” hơn một thành phố lớn như Philadelphia hay Dallas!(CNN) Ngày 14-3-2023, tình hình có tốt hơn nhưng vẫn còn “vô địch”, với khoảng 1,9 triệu người đang ngồi tù.(PP)

Hỏi: Tòa án Mỹ ra sao?

Đáp: Thủ tục gồm xét và xử. Bồi thẩm nhân dân sẽ xét xem là có tội hay không. Nếu có, quan tòa sẽ xử, tức là tuyên án. Về xét, có hai vấn đề. Thứ nhất là bồi thẩm có thể thiên vị chủng tộc. Bồi thẩm điển hình đa số là người da trắng nên người da màu ra tòa rất dễ bị xét là có tội. Vấn đề thứ hai là do luật Mỹ cực kỳ rắc rối, thuyết phục bồi thẩm thành công hay không rất tùy thuộc vào khả năng của luật sư biện hộ. Luật sư giỏi đòi phí cao. Trang usatoday.com ngày 23/8/2017 vắn tắt: “Ở Mỹ có tiền mua được công lý”. Về xử, quan tòa da trắng thường tuyên án người da màu nặng hơn người da trắng.

Hỏi: Người ta cũng rất hay nhắc tới tình trạng chênh lệch giàu nghèo liên tục gia tăng…

Đáp: Một bài viết đăng trên trang fortune.com ngày 13-2-2020 cho biết: “Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ở Mỹ (…) đã lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ những năm ngay trước cuộc Đại Suy Thoái (1929-1939)”.(KK) Bộ Nhà cửa và Phát triển Đô thị Mỹ báo cáo trong năm 2018 đêm nào cũng có hơn nửa triệu người Mỹ đang ngủ lang thang.(EW-4) Ở một số khu đô thị, người vô gia cư tụ tập đông đảo thành quang cảnh trông thật bất ổn.

Hỏi: Có lẽ để giúp thấy đúng kích thước khổng lồ của các vấn nạn ở Mỹ ta nên nhắc rằng Mỹ chỉ đông dân hơn Việt Nam khoảng 3,5 lần chứ không phải hàng mấy chục lần. Ông lý giải thế nào các vấn nạn đã nêu?

Đáp: Về nạn bạo động, có ba nguyên nhân.

Thứ nhất là sự phát triển của cá nhân chủ nghĩa: cái “tôi” trở nên to quá khiến ngay cả chỉ hai “tôi” (vợ và chồng) cũng khó sống chung lâu dưới một mái nhà. Con cái nếu có chỉ gần khi chưa trưởng thành. Nói chi họ hàng bà con. Rất nhiều người Mỹ sống cô đơn, là hoàn cảnh nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần.

Thứ hai là sự phổ biến của “văn hóa phẩm” độc hại. Đây là kết quả của tự do cá nhân quá độ kết hợp với đạo đức suy thoái với kỹ thuật tiến bộ. Nghĩa là doanh nhân vô lương tâm lợi dụng quyền tự do ngôn luận dùng máy móc tối tân sản xuất và tung đi khắp nơi những nội dung cực xấu. Cá nhân cô đơn rất dễ trở thành “khách” trung thành của loại “hàng” này.

Thứ ba là hiện tượng văn hóa tâm linh suy thoái. Từ khá lâu, đạo Chúa đã trở thành cơ bản một nét văn hóa truyền thống chứ không còn ảnh hưởng đáng kể trong đời sống tinh thần của đại đa số.(ES)

Tưởng tượng những cá nhân hết sức cô đơn thường xuyên tiêu thụ hàng cực độc mà không có một niềm tin vững chắc nào làm chỗ tựa! Cứ xem mãi những hình ảnh bạo động, tâm lý tê đi, thậm chí bị cám dỗ bắt chước, rút cuộc trong một số trường hợp, khi bức xúc lên đến mức nào đó thì phim hóa đời!

Hỏi: Ở Mỹ dân được mua súng…

Đáp: Vâng. Trong thời gian bành trướng tận diệt người da đỏ, phía tây nước Mỹ là vùng biên cương nơi an ninh trật tự chưa được thiết lập và ở phía nam thì việc áp chế đông đảo nô lệ da đen cũng tạo bất an, do đó sinh cái quyền được vũ trang. Quyền rồi đẻ ra sự say mê, giúp những công ty chế tạo vũ khí trở nên rất giàu và đầy thế lực. “Lóp-bi súng” (gun lobby) khiến các dự luật hạn chế súng không thể nào có đủ phiếu ở Quốc hội để thành luật. Nghĩa là chính trị Mỹ làm người Mỹ chết như đang có chiến tranh. Nếu cấm được súng thì những hung thủ sẽ phải dùng các phương tiện khác, nói chung hiệu suất kém, nên thương vong sẽ giảm. Cái ý muốn giết người bị “ức chế”, không biết nó sẽ thể hiện ra thành những trò quái đản gì.

Hỏi: Về nạn cảnh sát bạo hành dân?

Đáp: Tôi đọc trang Bách khoa en.wikipedia.org, thấy nêu hai nguyên nhân chính. Một là hệ thống tư pháp khiến rất khó truy tố thành công những cảnh sát phạm tội. Hai là tâm lý kỳ thị chủng tộc (tuy không trắng trợn nữa, kỳ thị không mất mà chìm xuống bề sâu để đợi bộc phát qua một số cá nhân). Tôi thấy một mặt tỉ lệ nạn nhân da đen có cao bất thường, mặt khác vẫn có rất nhiều nạn nhân da trắng. Do đó, đây hẳn cơ bản là vấn đề một xã hội có quá nhiều cá nhân có khuynh hướng bạo hành, một số được luật pháp bảo vệ quá kỹ, bèn ra tay khi có dịp. Kỳ thị chủng tộc chỉ làm người da đen dễ trở thành nạn nhân hơn thôi.

Hỏi: Thế còn hai vấn đề dân bị giam giữ và chênh lệch giàu nghèo?

Đáp: Đông tù nhân trước tiên là do bạo động lan tràn, với hoạt động buôn bán ma túy đặc biệt rộn rịp “đóng góp” cũng đáng kể.(CNN) Nghiện thuốc cấm là một vấn nạn nghiêm trọng khác ở Mỹ. Ngày 1-7-2008, trang cbsnews.com báo cáo nước Mỹ đang dẫn đầu thế giới về sử dụng thuốc cấm. Ngày 31-3-2021, ước lượng có khoảng 32 triệu người Mỹ từ 12 tuổi trở lên đang dùng thuốc cấm.(FRF) Tại sao xảy ra khủng hoảng? Ngày 17-3-2023, cũng trang cbsnews.com đăng lời giải thích của Tổng thống Mê-hi-cô López Obrador: “Có quá nhiều trường hợp gia đình tan rã, có quá nhiều thái độ cá nhân chủ nghĩa”. Tức nguyên nhân không mới mẻ chút nào!

Về chênh lệch giàu nghèo, lý do quan trọng là trong khoảng bảy chục năm qua, những thay đổi trong luật thuế phần lớn ưu đãi người giàu.(DL)

Hỏi: Trở lại chuyện sức khỏe tinh thần, ở Mỹ số người đồng tính ngày càng tăng…

Đáp: Đó là một hiện tượng bất thường đã có từ xưa nhưng xưa kia rất hiếm. Bây giờ thì ở Tây phương nhiều đến nỗi đa số các nước Tây đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Đặc biệt, người ta đã khám phá ra vô số trường hợp chức sắc Công giáo (có những vị rất cao cấp) phạm sắc giới bằng cách sinh hoạt đồng tính với trẻ em. Ở Mỹ, trang newsweek.com ngày 25/8/2018 báo cáo: “Giáo hội Công giáo đã trả gần 4 tỷ đô cho những vụ chức sắc bị cáo buộc xâm hại tình dục trong khung thời gian ngược về đến thập kỷ 1980 (…) Đây là số tiền thỏa thuận trong 5.679 vụ (…) Tổng số nạn nhân ở Mỹ ước lượng là khoảng 100.000”. Trang cnn.com ngày 16/2/2019 đăng tin: “Tòa thánh Vatican đã khai trừ Hồng y Theodore McCarrick (người Mỹ) sau khi xét thấy ông này phạm tội xâm hại tình dục trẻ em”

Hỏi: Ông giải thích thế nào?

Đáp: Trường hợp những người đồng tính thường thì nguyên nhân y như trường hợp những cá nhân bạo động. Cô đơn, bị hình ảnh khiêu dâm kích thích mà không tìm ra đối tượng tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu, không có niềm tin giúp vượt qua, sau một thời gian bị siêu nén một số người trở nên bất thường.

Trường hợp các chức sắc Công giáo sa ngã là minh chứng cho diễn biến tâm lý vừa nói. Nội quy Công giáo có chỗ mâu thuẫn là không cho chức sắc lập gia đình mà lại cho dùng mặn, uống rượu. Thời trước hình ảnh khiêu dâm rất hiếm nên họ giữ được mình, nhưng khi nó xuất hiện ồ ạt thì nhờ nơi ăn chốn ở thâm nghiêm họ dễ xem được nhiều và sau khi bị kích thích quá độ khiến muốn phạm tội thì lại cũng dễ phạm một cách kín đáo. Do đối tượng tự nhiên là phụ nữ trưởng thành quá khó tiếp cận, sau một thời gian họ bèn xoay qua trẻ trai là thành phần thường gặp. Chức sắc thì không cô đơn và rất vững niềm tin, nhưng một số người vẫn không chống nổi cám dỗ. Để ý là đạo Tin Lành không gặp vấn đề này, vì mục sư được lập gia đình.

Hỏi: Luật Mỹ về người đồng tính ra sao?

Đáp: Xưa kia họ bị xem là phạm nhân. Vào hậu bán thế kỷ 19, vẫn còn địa phương xem đồng tính là một trọng tội có mức án tử hình, chẳng hạn bang South Carolina cho đến năm 1873.(EW-5) Cách nay chưa lâu lắm, giết! Để rồi bây giờ hợp pháp hóa! Gần đây xuất hiện thêm hiện tượng rối loạn nhận thức phái tính. Những người trans cảm thấy mình ở trong một thân thể “sai”. Thì trẻ con lớn lên gần những người lớn đồng tính, làm sao khỏi có những đứa rồi hoang mang, không biết nó là thế nào…

Hỏi: Xã hội Mỹ đầy vấn đề hết sức nghiêm trọng. Thế còn văn hóa Mỹ?

Đáp: Người Tây phương phân biệt văn hóa thành hai loại: văn hóa phổ thông (popular culture) và văn hóa cao (high culture), tức là văn hóa dân gian và văn hóa trí thức. Ở Mỹ văn hóa cao rất kém phát triển, còn văn hóa phổ thông thì từ lâu bị thương mại hóa hết sức nặng nề. Pop culture Mỹ cưỡi trên lưng công thương nghiệp Mỹ mà đi khắp thế giới chứ chẳng những không thực có giá trị mà nhiều khi còn rất tiêu cực.

Văn hóa có thể xét theo những cái mà số đông lấy làm quý. Ở Mỹ đó không phải là đạo đức hay trí tuệ hay năng khiếu sáng tạo nghệ thuật, mà là tiền và tiếng. Người ta có thể làm bất cứ chuyện gì để kiếm được nhiều tiền hay để nổi tiếng. Văn hóa “tiền tiếng” không phải là văn hóa tiên tiến!

Hỏi: Tới đây chắc ta cũng nên nhắc qua tình hình ở châu Âu…

Đáp: So với Mỹ, ít bạo động hơn, mức phân hóa tài sản thấp hơn, nhưng các giá trị tinh thần truyền thống cũng đã tan hoang. Đạo Chúa suy thoái trầm trọng hơn ở Mỹ. Nạn đồng tính cũng lớn hơn, không biết bao nhiêu chức sắc Công giáo sa ngã. Tâm bệnh tràn lan. Trang reuters.com ngày 4-9-2011 đăng tin: “Gần 40 phần trăm người châu Âu mắc tâm bệnh (…) Tâm bệnh đã trở thành thách thức về sức khỏe lớn nhất cho châu Âu trong thế kỷ 21”. Văn hóa cao vốn phát triển tốt nay tàn lụi. Văn hóa phổ thông cũng bị thương mại hóa nặng nề.

Hỏi: Tổn thất sinh mệnh rất to lớn ở Tây phương trong Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ súc tích những khuyết điểm cơ bản của mô hình xã hội - văn hóa…

Đáp: Các nhà nước Tây phương quá bận tâm cân nhắc lợi hại về chính trị nên đã không phản ứng quyết liệt kịp thời. Rõ nhất là ở Mỹ: dịch đến vào năm bầu cử Tổng thống khiến người đương nhiệm sợ chống dịch hại kinh tế bất lợi cho mình nên cứ trì hoãn… Nhân dân Tây phương thì nhiều người không chịu hy sinh tự do cá nhân vào lúc tuyệt đối cần thiết: họ từ chối đeo khẩu trang và không tuân thủ lệnh cách ly. Ngạc nhiên là có cả vấn đề khoa học và y tế nữa. Trong một thời gian, chuyên gia Tây phương đã đánh giá sai công dụng chống dịch của khẩu trang, cho rằng vô ích. Ở Mỹ nhà nước đã tỏ ra thiếu chuẩn bị về trang thiết bị chống dịch, còn dân thì có một số vì không mua bảo hiểm và không được hưởng dịch vụ miễn phí nên trở thành một nguồn bệnh. Do rất giàu và có công nghệ tiến bộ, rút cuộc Tây phương chặn được dịch. Nhưng tổn thất đã xảy ra.

Nhân đây tôi xin nhắc một thảm kịch lớn khác bên ấy cũng do khuyết điểm xã hội - văn hóa mà có lẽ ít người biết. Trang en.wikipedia.org ghi: “Đợt nóng bất thường ở Âu châu năm 2003 đã làm khoảng 72.000 người chết”, và cho biết các nạn nhân điển hình là những người lớn tuổi sống một mình, không tự đối phó được và không có ai giúp.(EW-6)

Hỏi: Rõ ràng Tây phương xa vời vợi “Tây Phương Cực Lạc”! Thậm chí, như Đức Đạt-lai Lạt-ma nhận định, người Tây đang đi theo chiều ngược lại, không biết làm sao họ có thể đến... đúng chỗ. Tuy vậy Tây phương vẫn có những cái hay.

Đáp: Chắc chắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn: “(Bất kể ở đâu) có cái gì hay (…) ta phải học lấy”. Nhưng Bác cũng liền nhắc: “Đừng biến thành kẻ bắt chước”.(HCM)

Muốn khỏi “biến…”, không thể học Tây với ảo tưởng Tây cái gì cũng hay. Phải biết về Tây cho đủ, biết cả những cái dở của Tây, thì mới giữ được bình tĩnh mà học một cách sự thể cho khỏi tủi tổ tiên ta là những người đã dựng lên được một nền văn hóa ưu tú không kém ở bất cứ phương nào.

Tất nhiên Việt Nam cũng có những cái dở. Học Tây hay, đừng học Tây dở. Giữ ta hay, đừng giữ ta dở. Chuyện rất dài dòng, xin sẽ trình bày vào dịp khác.



Thu Tứ
Tháng 6-2023















___________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
ABC: Trang
abcnews.go.com.
CNN: Trang
edition.cnn.com, ngày 28/6/2018.
DB: Daniel Brown là một tiến sĩ tâm lý học giảng dạy tại Đại học Harvard.
DC: David T. Courtwright, “Violence in America”, tháng 9-1996.
DG: Daniel Goleman là một tiến sĩ tâm lý học, cộng tác viên của báo
New York Times.
DL: David Leonhardt, “The rich really do pay lower taxes than you”, trang
nytimes.com ngày 6/10/2019.
ES: Ed Stourton, “The decline of religion in the West”, trang
bbc.com ngày 26/6/2015.
EW-1: Trang
en.wikipedia.org, bài “2017 Las Vegas shooting”.
EW-2: Trang
en.wikipedia.org, bài “Samuel Little”.
EW-3: Trang
en.wikipedia.org, bài “Killing of Timothy Russell and Malissa Williams”.
EW-4: Trang
en.wikipedia.org, bài “Homelessness in the United States”.
EW-5: Trang
en.wikipedia.org, bài “Capital punishment for homosexuality”.
EW-6: Trang
en.wikipedia.org, bài “2003 European heat wave”.
FRF: Trang
firstrespondersfirst.com.
GD: Trang
theguardian.com ngày 28-7-2022.
HCM:
Hồ Chí Minh về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, 1997.
KK: Kevin Kelleher, “U.S. income inequality increases to pre – Great Depression Levels”.
PP: Trang
prisonpolicy.org.
SL: Stephen Levine là một thi sĩ và thiền giả nổi tiếng.
ST: Trang
statista.com.
TGHĐ:
Thế giới hòa đồng, Chân Huyền dịch, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1997. Nguyên tác là Worlds in harmony xuất bản lần đầu năm 1992.
TS: Tom W. Smith, “General liberalism (…) in post World War II America”, trang
jstor.org.
UM: Trang
lsa.umich.edu.
WP: Trang
washingtonpost.com.