“Vừa chặn co, vừa thọc sâu”




Cả Sài Gòn - Gia Định (…) chúng tôi chỉ chọn có 5 mục tiêu (cần) nhanh chóng đánh chiếm bằng được. Đó là Bộ Tổng tham mưu nguỵ, “Dinh Độc lập”, Biệt khu “thủ đô”, Tổng nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất (…)

Nhưng muốn chiếm được 5 mục tiêu đó thì phải đánh như thế nào khi địch bố trí 5 sư đoàn (5, 25, 7, 18, 22) ở vòng ngoài (với) kế hoạch sẽ lùi dần, lùi dần trên các tuyến phòng thủ để co cụm về “tử thủ” Sài Gòn? (…)

Hồi đánh Buôn Ma Thuột, ta nghi binh thu hút chủ lực lớn của địch về phía Kon Tum - Pleiku, ta cài thế chiến dịch cắt các đường ứng cứu, để cho Buôn Ma Thuột sơ hở, cô lập… rồi ta bỏ qua các lực lượng bố trí ở vòng ngoài của chúng phần lớn là bảo an, dân vệ để bất ngờ đánh thẳng vào hai cơ quan đầu não của chúng ở sâu trong thị xã. Đánh xong bên trong ta mới toả ra diệt nốt những vị trí vòng ngoài.

Còn bây giờ đánh vào Sài Gòn (…) Nếu ta bỏ qua các lực lượng địch bên ngoài, không đánh mà bất ngờ chọc thẳng ngay vào bên trong (…) thì khó trót lọt, hoặc có vào được thì khi 5 sư đoàn bộ binh nguỵ ấy kéo về ứng cứu, thế trận sẽ giằng co. Nhưng nếu ta tập trung lực lượng diệt cho xong 5 sư đoàn bộ binh của địch ở vòng ngoài rồi mới đánh vào mục tiêu trong thành phố, thì nhất định sẽ kéo dài thời gian (…) Nếu để các sư đoàn địch lùi về được vào trong nội thành (thì cuộc chiến đấu sẽ gây nhiều tổn thất sinh mạng cho cả quân lẫn dân, cũng như thiệt hại lớn về vật chất) (…)

Bộ chỉ huy chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh (…) trên từng hướng, dùng một bộ phận lực lượng thích hợp (…) bao vây, chia cắt, chặn giữ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch, không cho rút chạy về Sài Gòn, nỗ lực tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ (…) đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn cơ giới hoá mạnh tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành.

Để phối hợp với các binh đoàn đột kích đó (…) các lực lượng đặc công, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng ở Sài Gòn - Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông (…) dẫn đường cho các đơn vị (…) phát động quần chúng nổi dậy (…)


(Trích chương 14, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)