Anh hùng Nguyễn Viết Xuân (1933-1964)







Đã hơn 54 năm từ ngày anh hùng Nguyễn Viết Xuân hy sinh, có những câu chuyện về anh bây giờ mới được kể lại (…)

Đại tá Hồ Sĩ Bảo, người pháo thủ đại đội 3, tiểu đoàn 14 pháo cao xạ ngày đó (…) nhớ lại trận chiến đấu ngày 18/11/1964 tại Siêng Pan (Khăm Muộn, Lào) (…)

3 giờ sáng ngày 15/11/1964, toàn đơn vị tới vị trí an toàn, đúng kế hoạch (…) Lúc này, tôi là pháo thủ số 3, đại đội 3, đồng chí Nguyễn Viết Xuân làm chính trị viên đại đội (…)

8 giờ sáng ngày 18/11/1964, Mỹ cho máy bay thăm dò hai tuyến đường chi viện quan trọng (đường 12 và đường 16) và khu vực cầu Siêng Pan (…) Các khẩu pháo cao xạ nổ giòn giã. Chiếc RF-101 bay đầu tốp trúng đạn bốc cháy rơi ngay trên đỉnh núi (…) Địch điều thêm 22 chiếc máy bay gồm F-101, F-100, AD-6, T-28 liên tục bổ nhào trút bom đạn (…)

Trong khói mịt mù, chính trị viên Nguyễn Viết Xuân vẫn bám từng khẩu đội, thăm hỏi anh em, động viên các pháo thủ giữ vững trận địa. Khi quay về vị trí chỉ huy, anh bị một loạt đạn bắn gãy nát đùi bên phải. Sau khi nhờ y tá Lê Đăng Nhu cắt rời phần chân trúng đạn và băng bó, Nguyễn Viết Xuân căn dặn: “Đừng để anh em biết mình bị thương”, rồi dựa vào thành công sự quan sát trận địa và cùng đại đội trưởng Lê Hữu Mai tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu.

Thấy trận chiến đấu kéo dài, Nguyễn Viết Xuân yêu cầu anh em giúp mình đứng thẳng, dồn hết sức lực cất tiếng hô lớn: “Phản lực Mỹ không có gì đáng sợ… Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn! Bị thương nặng không kêu la, bị thương nhẹ không rời vị trí!”. Lời động viên dõng dạc như tiếp thêm sức mạnh, trận địa liên tiếp nổ súng chính xác, bắn rơi thêm bốn chiếc, bắn trúng một số chiếc khác (…)

Đến 21 giờ (…) tôi cùng đồng đội mới có thời gian vào thăm Nguyễn Viết Xuân. Vết thương làm mất quá nhiều máu, không thuốc giảm đau, không thuốc gây mê, y tá muốn tiêm thuốc bổ cho anh nhưng Nguyễn Viết Xuân nhất định từ chối: “Mình đã 33 tuổi rồi, đã có vợ, có con... Các đồng chí còn trẻ, cống hiến cho nhân dân còn dài... Mình có thể sẽ không qua khỏi, hãy dùng thuốc này tiêm cho đồng chí Hường và các đồng chí bị thương khác. Sẽ còn nhiều trận đánh ác liệt nữa, các đồng chí cần có thuốc…”.

Sau đó, Nguyễn Viết Xuân chỉ định người thay thế mình, bình tĩnh bàn giao công việc rất tỉ mỉ, rõ ràng (…) Bốn giờ sáng ngày hôm sau (…) trút hơi thở cuối cùng…


(Nguồn: trang
soha.vn)