Làm việc ở “một trọng điểm ác liệt”, ăn ngủ đều thiếu thốn, tất nhiên “khuôn mặt xanh lướt”. Nhưng đằng sau khuôn mặt, vẫn còn nguyên sức sống mãnh liệt, niềm tin sắt đá: “Xong xuôi đã rồi lấy chồng cũng chưa muộn mà!”.

Trông “vẻ dịu dàng ánh chút tinh nghịch của tuổi trẻ, xen nét dạn dày bom đạn, sương gió Trường Sơn (…) nụ cười hồn nhiên (…) đôi mắt (…) hiền hậu, nhìn sâu đọng” của các cô thanh niên xung phong ấy, làm sao chúng tôi khỏi thấy “lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục”!

Hẳn các cô cũng đã rung động tương tự khi tiếp xúc với anh bộ đội này. Nhưng không lâu sau cái ngày vui vẻ, không ai còn có thể gặp anh nữa. Anh đã đi vào những trang sử hoàn toàn thật mà y như huyền thoại của dân tộc Việt Nam rồi.
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (20)




5-5-1971

(…) Hôm nay đơn vị dừng chân nghỉ lấy sức hai ngày. Toàn đơn vị mắc võng dọc theo hai bờ suối. Anh em tắm giặt hò hét thoải mái dưới lòng suối (…) (Mấy người) rủ nhau đi chơi thăm một đơn vị thanh niên xung phong đóng gần đấy (…)

Chúng tôi dừng lại ở cái bậc lên xuống. Bậc không cao. Sáu bước thôi là “chạm” ngay một cái lán rộng chứa một cái bàn bóng bàn tự đóng bằng các mảnh gỗ đựng khí tài. Hai cây vợt “mút” hẳn hoi để giữa bàn nhưng không có người chơi.

Khu vực của đơn vị thanh niên xung phong này ở sâu và kín. Đi dưới suối, nếu không chú ý thì không biết chỗ đóng quân của họ.

Lên hết sáu bước, chúng tôi ngồi cả lên cái bàn bóng bàn, lắng nghe tiếng hát từ trên cao vọng xuống. Một giọng nữ đang hát bài “Rừng xanh vang tiếng ta lư”.

- Thúy Hà Trường Sơn đấy!

- Giọng tốt đấy chứ. Nghe thủ trưởng bảo, ngày kia đi tiếp sẽ được gặp một bản Vân Kiều và cây đàn ta lư của họ…

Các đồng chí thanh niên xung phong tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình. Đồng chí đại đội phó đưa đến từng chúng tôi những ca nước làm bằng ống phóng rốc-két nghi ngút hơi nước sôi. Chị đon đả mời:

- Uống đi các anh. Chỉ hiềm nỗi nước không ngon thôi. Chúng em vẫn uống quen vị chè vùng này rồi!

Tôi hỏi:

- Các đồng chí ở đây lâu chưa?

Vân Anh dịu dàng đáp:

- Dạ, cũng mới thôi. Hôm nay đơn vị ra mặt đường gần một nửa, còn nửa chúng em ra làm đêm qua, được nghỉ bù…

Chúng tôi ngồi dịch sát lại nhau nhường thêm chỗ cho các cô gái ở những lán khác hiếu khách đến. Một cô nói:

- Các anh đã qua một trọng điểm ác liệt mà các anh không biết vì mấy ngày nay chúng không đến “tọa độ”, bọn em vẫn thường làm ở đấy!

- Chúng tôi chỉ thấy đường mòn nhỏ thôi.

- Vậy là các anh đi đường tránh mới mở. Chỉ có điều đi như thế rất vất vả vì toàn dốc và trơn.

(…)

Các cô gái vui vẻ kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện xảy ra những ngày họ ở Trường Sơn. Với vẻ dịu dàng ánh chút tinh nghịch của tuổi trẻ, xen nét dạn dày bom đạn, sương gió Trường Sơn, các cô hỏi thăm chúng tôi lần lượt từng người một về sức khỏe, về quê hương và vợ con… Rồi họ cười phá lên, nhất định không tin lời của cậu Ban “râu” khi cậu ta thật thà trả lời là “Chưa có vợ!”.

Đến lượt chúng tôi hỏi lại, các cô cũng đều trả lời: “Chưa có chồng!”.

Cô gái ngồi đối diện tôi, hai bàn tay đang thoăn thoắt tết tóc, đầu nghiêng nghiêng, ngước mắt nhìn lướt chúng tôi, nói:

- Xong xuôi đã rồi lấy chồng cũng chưa muộn mà!

Chúng tôi có thể đọc thấy, nhìn thấy một niềm tin sắt đá vào ngày thắng lợi cuối cùng, một sức sống tiềm tàng nơi những khuôn mặt xanh lướt (…) và nụ cười hồn nhiên của những cô gái thanh niên xung phong chúng tôi gặp hôm nay. Đôi mắt của họ hiền hậu, nhìn sâu đọng (…) Tự nhiên chúng tôi thấy lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục (…)