“Tất cả đã sẵn sàng”




Sài Gòn - Gia Định là một thành phố lớn với ba triệu rưởi dân, rộng 1.845km vuông kể cả các quận ngoại thành (…) kiến trúc tổng hợp khá phức tạp (…)

Địa hình (…) Ở hướng nam thành phố, sông rạch chằng chịt, bưng biền nhiều. Hướng tây nam cũng có nhiều sình lầy, sát vùng ven thì đất cao, đi lại tốt. Hướng bắc và tây bắc, nhất là hướng đông, có nhiều cầu lớn dẫn vào thành phố (…) có tin địch đã có kế hoạch đặt mìn sẵn sàng đánh sập hòng ngăn bước tiến của quân ta (…) Ở đây, từ giữa tháng 5 bắt đầu mùa mưa, các binh đoàn lớn vận động sẽ gặp nhiều trở ngại nếu thoát ly các trục đường (…)

Bộ chỉ huy chiến dịch nhận được chỉ thị mới của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương (…) dặn (…) Từ nay đến khi mở cuộc tiến công toàn diện (…) đẩy mạnh hoạt động của cánh phía tây và tây nam (…) Đồng thời, đưa nhanh các đội đặc công và biệt động vào nội thành (…)

Các đơn vị của Quân khu 8, Quân khu 9 cũng như các đơn vị đặc công, các đội biệt động ở vùng ven, trong nội thành, liên tiếp đánh địch, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh, giải phóng một số khu vực quan trọng, nối liền các căn cứ lõm nằm trong vùng sau lưng địch ở Long An, Gò Công, Bến Tre, Mỹ Tho, mở ra những hành lang nối liền từ đông Nam bộ qua Đồng Tháp xuống tây Nam bộ, làm chủ những đoạn quan trọng trên các kênh rạch ở vùng giáp ranh (…) Một số tỉnh và huyện đẩy mạnh việc tuyển tân binh, thành lập thêm các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh và đại đội địa phương huyện. Cấp xã phát triển các trung đội du kích, có nơi lập được đại đội (…)

Tạo thế ở tây nam Sài Gòn là một kỳ công của quân và dân tây Nam bộ, vì điều kiện địa hình ở đây khiến rất khó triển khai lực lượng lớn, nhất là binh khí kỹ thuật nặng (…) Đường cho xe pháo cơ động rất ít, có thể nói là độc đạo qua những vùng sình lầy trống trải (…) Tổ chức thông tin từ Sở chỉ huy chiến dịch xuống cánh tây nam chỉ có (…) vô tuyến điện (…)

Quân đoàn 4, chủ lực của Miền, từ ngày 10 tháng 3 phối hợp chặt chẽ với Tây Nguyên đã đánh liên tiếp nhiều trận, tiêu diệt được nhiều địch và đã giải phóng chi khu Dầu Tíếng, thị xã An Lộc, thị trấn Chơn Thành, mở rộng một địa bàn rất thuận lợi ở phía bắc Sài Gòn, giam chân Sư đoàn 25 của địch ở vùng Trảng Lớn, Tây Ninh và uy hiếp cả Sư đoàn 5 của địch đang phòng ngự ở vùng Lai Khê, Bến Cát. Từ hạ tuần tháng 3 đến đầu tháng 4-1975, Quân đoàn 4 chuyển lực lượng từ hướng tây bắc và bắc Sài Gòn về hướng đông Định Quán (…) chuẩn bị mở một đợt đánh lớn vào Sư đoàn 18 địch ở thị xã Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh.

Thị xã Xuân Lộc (…) bảo vệ Sài Gòn từ phía đông (…) ngăn chặn hai đường tiến của quân ta (…) đường số 1 và đường số 20. Lúc bấy giờ trên trục đường số 1, quân ta đã tiến đến gần Phan Rang, còn trên trục đường số 20, quân ta sau khi giải phóng Lâm Đồng, Đà Lạt, Tuyên Đức đã tiến xuống gần Kiệm Tân (…) Giữ được Xuân Lộc thì tuyến Biên Hoà - Nhơn Trạch - Bà Rịa - Vũng Tàu chưa trực tiếp bị uy hiếp, sân bay Biên Hoà và cả Tân Sơn Nhất còn hoạt động được (…)

(Đêm 9 tháng 4, trận Xuân Lộc bắt đầu) Đêm 20 tháng 4, toàn bộ các lực lượng địch (…) bỏ chạy tán loạn theo đường tỉnh số 2 về phía Bà Rịa (…) bỏ lại rất nhiều xe pháo, súng đạn (…)

Phía tây bắc Sài Gòn, Sư đoàn 25 của địch vẫn bám chặt địa bàn Tây Ninh (…) Ta không đánh (…) nhưng kìm giữ (…) không cho chúng lùi dần về vùng sát Sài Gòn.

Các đơn vị bộ đội địa phương của Tây Ninh, Bình Dương (…) pháo kích vào Trảng Lớn, làm nổ khoảng 20.000 quả đạn pháo 105 và gần 5.000 đạn pháo 175 ly (…)

Sân bay Biên Hoà bị bộ đội đặc công, súng cối và pháo tầm xa của ta đánh liên tục (…) tê liệt dần. Ta chuẩn bị (…) đánh phá hai sân bay cuối cùng khác của địch là Tân Sơn Nhất và Cần Thơ (…)

Sáng ngày 8 tháng 4, chúng tôi đang làm việc thì được tin một sĩ quan (ngụy) lái máy bay F-5E vừa ném bom Dinh Độc lập và (…) hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Đây là trung uý Nguyễn Thành Trung, quê ở Bến Tre, một đảng viên của ta hoạt động bí mật từ lâu trong không quân nguỵ. Anh là con một đồng chí huyện uỷ viên đã hy sinh (…) Nguyễn Thành Trung cho biết không quân nguỵ chỉ còn 120 chiếc máy bay A-37 và 70 chiếc máy bay F-5, khả năng xuất kích của chúng thường chỉ được hai phần ba (…) Chúng tôi (…) đề nghị Bộ Tổng tư lệnh cho phép đưa ngay Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng hướng dẫn một số đồng chí lái máy bay chiến đấu của ta học lái máy bay A-37 mà ta thu được khá nhiều (…) để khi cần sẽ dùng đến.

Các đơn vị đặc công mặt trận Sài Gòn (…) được tổ chức lại thành 6 đoàn có chỉ huy thống nhất. Đoàn 10 đứng ở khu Nhà Bè - Lòng Tàu, đánh tàu và cắt đường sông Lòng Tàu ra biển của địch. Đoàn 116 đứng ở Nước Trong - Long Bình. Đoàn 113 phụ trách vùng Biên Hoà. Đoàn 115 đứng ở Lái Thiêu, Quán Tre chờ lệnh vào Sài Gòn. Đoàn 117 đứng ở Vườn Thơm, Bà Vu chờ lệnh đánh vào hướng tây Sài Gòn. Đoàn 429 chuẩn bị đánh các trận địa pháo ở quận 8 và quận 9 (…) Ngoại thành có 4 tiểu đoàn và nhiều đội quân biệt động. Trong nội thành ta có sẵn 60 tổ biệt động (…) Lực lượng vũ trang của thành đội Sài Gòn - Gia Định cũng khá mạnh (…) Đấy là chưa kể những cán bộ, chiến sĩ ta làm công tác đặc biệt từ nhiều năm hoạt động trong thành phố, làm việc trong những cơ quan của địch (…)

Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định in và rải (…) truyền đơn, lập những đội tuyên truyền xung phong. Khí thế quần chúng sôi nổi làm cho tinh thần địch đang hoang mang càng thêm hoang mang (…) Trong mấy ngày ta đã đưa vào trung tâm thành phố thêm hàng trăm cán bộ, hàng trăm đội viên vũ trang. Giữa Sài Gòn đã có mặt hàng chục đồng chí thành uỷ viên và cán bộ cấp tương đương (…) Ta đã có cơ sở chính trị trong các phố (…) chuẩn bị hàng trăm xe hơi có loa phóng thanh, đưa hàng chục nghìn mét vải cho nhiều hiệu may để may cờ (…)

Quân đoàn 1 đã vào khu vực tập kết ở nam sông Bé, Quân đoàn 3 ở khu vực Dầu Tiếng (…)

Lực lượng lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng đã về ở vùng ven. Có nhiều bộ phận đã vào nội thành (…)

Phái đoàn quân sự của ta trong Ban liên hợp quân sự hai bên do đồng chí thiếu tướng Hồ Xuân Anh (tức Hoàng Anh Tuấn) làm trưởng đoàn vẫn ở sân bay Tân Sơn Nhất (…) Thấy máy bay địch từ các nơi dồn về Tân Sơn Nhất nhiều quá, đậu gần ngay khu nhà của phái đoàn ở, các đồng chí điện ra đề nghị bắn pháo vào sân bay (…) “Chúng tôi sẽ đào hầm (…) Nếu địch ngoan cố, pháo binh ta cứ bắn thật mãnh liệt, đừng lo cho chúng tôi ở trong này. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự, sẵn sàng hy sinh để chiến dịch toàn thắng (…)”.


(Trích chương 13, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)