Thời cơ vô cùng quan trọng bởi “vũ khí, phương tiện của hải quân ta còn kém địch cả về số lượng lẫn mức độ hiện đại”. Phải đợi cho quân ngụy rút gần hết. Nhưng không được đợi lâu hơn, bởi có “nước ngoài” cũng đang chờ!

Ta đã thu hồi các đảo kịp thời. Nhưng “nước ngoài” ấy thừa sức giành đảo khỏi tay ta. Tại sao nó không làm?

Chắc chắn chỉ vì nó chưa có chủ trương dứt khoát về việc này. Mà chưa là bởi trên đất liền, ta đang thắng như chẻ tre. Thoắt cái mà đã sắp… Nên đối xử thế nào với cái nước Việt Nam thống nhất này đây?!

Nghĩa là, ta thu hồi rồi không mất Trường Sa chính là một kết quả của diễn biến siêu tốc sau trận Buôn Ma Thuột.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Giải phóng Trường Sa”




Sự kiện Trung Quốc tiến công quân nguỵ, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 20-1-1974 càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông (…) Cần tổ chức giải phóng kịp thời (…) Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp (…)

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân nguỵ đang chiếm giữ”. Kiến nghị này được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25-3-1975 (…)

Ngày 2-4 (…) Tôi (…) chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu điều ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng (…)

Ngày 9-4, Cục Quân báo phát hiện quân ngụy sắp rút khỏi các đảo ở Biển Đông. Quân uỷ Trung ương điện “tối khẩn” cho các anh Võ Chí Công, Chu Huy Mân, đồng thời điện cho anh Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Hải quân ở Đà Nẵng: “Có tin quân nguỵ chuấn bị rút (…) Các anh (…) chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời (…) Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”.

Ngày 13-4, Quân khu 5 điện về Bộ Tổng Tham mưu báo cáo kế hoạch đánh chiếm các đảo. Tôi điện lại ngay: “(…) Ý kiến của tôi (…) Cần làm đúng lúc. Nếu có thời cơ mà không kịp hành động thì nước ngoài có thể ra tay trước. Nếu ngụy chưa rút (gần hết) mà ta đã tiến công thì tình hình có thể trở nên phức tạp, vì lực lượng ta có hạn và việc tăng viện rất khó khăn (…)” (…)

Ngày 14-4 (…) ta (…) giải phóng đảo Song Tử Tây (…)

Ngày 25-4 (…) đảo Sơn Ca (…)

Ngày 27-4 (…) đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn (…)

Ngày 28-4 (…) đảo Trường Sa, đảo An Bang (…)

Ngay trong ngày 28-4, quân ta trên các đảo, trên các tàu chiến nhận được điện khen: “Quân uỷ Trung ương rất phấn khởi được tin quân ta đã chiếm các đảo thuộc Trường Sa. Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược” (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1312-1317)