Lý thuyết quân sự cổ điển là để có hy vọng thắng bên công phải đông hơn bên thủ ít nhất ba lần.

Trong trận Xuân Lộc, lúc bắt đầu bên công có ưu thế quân số cần thiết và chẳng bao lâu đã trên đường thắng. Nhưng bên thủ được tăng viện rất nhanh. Sau khi viện tới, về cả bộ binh lẫn pháo binh, thủ không còn thua công! Đã thế, thủ lại được máy bay yểm trợ! Tuy công có súng cao xạ, nhưng đó chỉ làm giảm bớt chứ đâu có triệt tiêu được không yểm.

Quân đoàn 4 đang lúng túng thì Quân đoàn 2 bắt đầu xuất hiện gần Xuân Lộc. Với sự trợ lực của một phần lực lượng mới tới, ta xoay qua khai thác một chỗ yếu của địch là quân tăng viện chưa vào được bên trong thị xã mà “còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài”. Ta không vào thị xã đánh địch trong công sự kiên cố nữa mà tập trung tiêu diệt địch bên ngoài. Trước chiến thuật ấy và với hiện diện mỗi lúc mỗi rõ của Quân đoàn 2, địch quyết định rút chạy.

Sau 10 ngày, “cánh cửa thép” trên đường vào Sài Gòn đã mở toang.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tử thủ thật đây - 10 ngày”




Theo kế hoạch đã định, ngày 9-4, những trận đánh cắt đường số 4 ở phía tây Sài Gòn và trận tiến công Xuân Lộc bắt đầu.

Sư đoàn 5 tiến công địch ở thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An không thành công. Tuy vậy, sư đoàn đã đánh thiệt hại nặng một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 7 nguỵ và một trung đoàn thiết giáp, diệt 80 đồn bốt lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng, uy hiếp đường số 4. Lực lượng vũ trang Quân khu 8 tiến công làm chủ từng thời gian đường Tân Hiệp - Cái Bè (Mỹ Tho). Các lực lượng vũ trang Quân khu 9 tiến công địch ở Cái Vồn, Ba Càng (Vĩnh Long).

Trên hướng đông, Quân đoàn 4 (…) mở cuộc tiến công vào Xuân Lộc, “cánh cửa thép” trên tuyến phòng ngự Sài Gòn (…) Nơi đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng Phrê-đê-rích Uây-oen cho rằng: “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 hò hét “tử thủ” (…)

Trận đánh diễn ra quyết liệt và phức tạp.

Theo báo cáo, trong đêm 9 rạng ngày 10-4, bằng nhiều mũi tiến công, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự thị xã, chiếm được nhiều mục tiêu, cắm cờ cách mạng lên dinh tỉnh trưởng nguỵ. Tuy bị thiệt hại nặng, địch vẫn cố thủ. Ngày 10-4, chúng dùng trực thăng đổ bộ một lữ đoàn dù xuống ven thị xã, tiếp đó, tăng viện thêm hai lữ đoàn thuỷ quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 5, tám tiểu đoàn pháo binh và hai chiến đoàn xe tăng, thiết giáp. Dựa vào quân tăng viện và sự chi viện của không quân, địch phản kích, gây cho ta nhiều tổn thất. Nhiều vị trí ta đã chiếm được phải lần lượt rút bỏ, hoặc thay đổi chủ nhiều lần (…)

(Vào đầu tháng 4) Thường trực Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lập cánh quân phía đông, gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế), Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh (…) Anh Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh (…) Trước khi anh Tấn lên đường (…) tôi giao nhiệm vụ cho cánh quân phía đông nhanh chóng tiến theo đường số 1 chọc thủng phòng tuyến địch ở Phan Rang, tiếp đó cùng với các lực lượng B2 đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khống chế sông Lòng Tàu, đặt pháo tầm xa ở Nhơn Trạch hoặc Thành Tuy Hạ chế áp các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, có phương án vượt sông thọc sâu vào trung tâm thành phố (…) Sáng 14-4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang (…) Sáng ngày 16-4, Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An đưa Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu (…) Quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận (…) Thừa thắng, bộ binh và xe tăng của quân đoàn chia thành nhiều mũi xông thẳng vào trung tâm thị xã Phan Thiết (…) Sáng ngày 20-4, bộ phận đầu tiên của cánh quân phía đông gồm Sư đoàn 325 và binh khí kỹ thuật đã vào đến Rừng Lá, gần Xuân Lộc (…)

Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự (…) Anh Trần Văn Trà đến trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hoà, Bộ chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh: từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hoà, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hoà, Trảng Bom lên phản kích.

Thực hiện quyết tâm mới, Quân đoàn 4 vừa được tăng cường bộ binh (một trung đoàn của Sư 325) và pháo cỡ lớn, tiến công tiêu diệt chiến đoàn 52 nguỵ và một chi đoàn thiết giáp, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường từ Xuân Lộc đến Bàu Cá, làm chủ đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trung đến Dầu Giây, chiếm Núi Thị, Túc Trưng, Kiệm Tân, tiêu diệt quân địch phản kích từ Trảng Bom ra. Hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18 nguỵ cùng với lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng. Bộ đội địa phương và du kích diệt và bức rút một số đồn địch trên các trục đường giao thông và ven thị xã.

Không chiếm lại được ngã ba Dầu Giây, lực lượng bị tổn thất nặng, cảm thấy sức uy hiếp của cánh quân lớn từ phía đông mới tới, trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 20-4 địch rút chạy khỏi Xuân Lộc.

Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần của quân nguỵ càng thêm suy sụp.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1303-1309)