“Cả năm mũi sắp sẵn sàng”




Trong đội hình hành quân của ta bắt đầu xen lẫn những xe bọc thép M-113, xe tăng M-48, M-41, những khẩu pháo 105, 155 ly (…) Đặc biệt, các đồng chí lái máy bay của ta đã bắt đầu tập sử dụng những chiếc A-37, F-5 lấy được của địch. Diễn biến ta lấy của địch đánh địch chưa bao giờ đầy ấn tượng như thế này (…)

Đường vào đông Nam bộ (…) Trên một số mỏm đồi (…) bìa rừng (…) còn những nấm mồ đắp đất cao, nơi yên nghỉ cuối cùng của những đồng chí chúng ta. Trên mảnh đất heo hút (…) này, biết bao nhiêu người đã đi trước mở đường và đã hy sinh để góp phần tạo ra con đường tiến quân vào Nam bộ (…) cho chúng tôi hôm nay được bước vào trận quyết chiến cuối cùng (…)

Mùa Xuân đang về tưng bừng trên những đồi cỏ non ngập nắng. Những rừng cao su chạy tít tắp hàng chục cây số đang thay lá. Trên những cây cổ thụ, hoa phong lan đang nở (…)

Trưa ngày 3 tháng 4, cách Bù Gia Mập quãng 50km về phía bắc, chúng tôi gặp đồng chí Thượng tá Mai Văn Phúc (Tư Phúc), Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Miền ra đón. Đứng trên đỉnh đồi thông lưa thưa chung quanh còn nhiều vết tích của những trận đánh ác liệt “vượt biên” của Mỹ năm 1970, chúng tôi tay bắt mặt mừng, niềm vui trong từng khóe mắt (…)

Gần tối ngày 3 tháng 4, chúng tôi về đến cơ quan của Bộ chỉ huy Miền ở phía tây thị trấn Lộc Ninh (…) Tôi sang thăm đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (…) Đồng chí Trần Văn Trà đi xuống Quân đoàn 4 để kiểm tra kế hoạch của quân đoàn tiến công Xuân Lộc cũng về trong đêm. Trời vừa sáng, đồng chí đã sang chỗ tôi ở (…)

Chiều ngày 7-4, chúng tôi đang họp thì một chiếc xe gắn máy chở một đồng chí người dong dỏng cao, mặc áo sơ-mi màu xanh da trời, quần ka-ki, đầu đội mũ cứng bộ đội, vai đeo một chiếc xà-cột to bằng da màu đen, đến đỗ ngoài sân. Chúng tôi nhận ra ngay đấy là đồng chí Lê Đức Thọ (…)

Ngày 8 tháng 4, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục, Quân uỷ Miền và Bộ Tư lệnh B2, có thêm các cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 25 tháng 3 ở Hà Nội (…) Cuối cuộc họp, đồng chí phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm có tôi làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Chính uỷ, các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh. Riêng đồng chí Lê Đức Anh lại kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía tây nam Sài Gòn, tức là Đoàn 232 (…)

Những trận mưa đầu mùa đã đổ xuống rừng Lộc Ninh (…) Bộ Chính trị chỉ thị cho chúng tôi làm việc thật khẩn trương để có thể bắt đầu cuộc tổng công kích vào Sài Gòn càng sớm càng tốt. Qua kiểm tra tình hình (…) Bộ Chính trị cho chúng tôi thêm thời gian để chuẩn bị và quy định là phải mở cuộc Tổng tiến công Sài Gòn chậm nhất là vào hạ tuần tháng 4 năm 1975 (…)

Ngày 12-4-1975, đồng chí Vũ Lăng và đồng chí Nguyễn Hiệp (tức Đặng Vũ Hiệp) Tư lệnh và chính uỷ Quân đoàn 3 đến Sở chỉ huy Chiến dịch nhận nhiệm vụ.

Ngày 14 tháng 4, đồng chí Nguyễn Hoà, Tư lệnh, và đồng chí Hoàng Minh Thi, Chính uỷ Quân đoàn 1 đến nhận nhiệm vụ (…) Qua báo cáo của hai đồng chí (…) đến ngày 25-4 toàn bộ Quân đoàn 1 sẽ vào đủ ở khu vực tập kết (…)

19 giờ ngày 14-4-1975, bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị gửi đến mặt trận, toàn văn như sau: “Đồng ý chiến dịch Sài Gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Dưới bức điện ký tên đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (…)


(Trích chương 11 và chương 12, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)