“Nền văn minh vẻ vang” có để lại chút dấu vết gì trong văn hóa tinh thần Tây Nguyên chăng? (TT)


Đào Duy Anh, “Mất cả văn minh”



Năm 1697 (...) phần đất cực nam của Chiêm Thành mất nốt.

Sau khi nước Chiêm Thành bị diệt thì một số khá đông người Chiêm không chịu đầu hàng đã chạy về phía tây, tìm chốn dung thân trong miền rừng rú ở khoảng biên giới phía đông của nước Chân Lạp. Sử cũ gọi họ là người Côn Man. Ðiều kiện sinh hoạt chật vật khó khăn đã khiến họ trở lại trạng thái sinh hoạt lạc hậu. Những người Chiêm ở phía Tây Nguyên mà trước kia Lê Thánh Tông đã cắt ra làm nước Nam Bàn, thì sau khi căn cứ của họ là nước Chiêm Thành ở miền Phan Rang, Bình Thuận đã mất, họ cũng dần dần chịu ảnh hưởng của phương thức sinh hoạt lạc hậu của những bộ lạc nguyên thủy ở miền ấy.

Hiện nay ở miền tây Phan Rang và Bình Thuận còn sót lại một số người Chiêm Thành, tục gọi là người Chàm hay người Hời, vẫn còn giữ được những phong tục và tập truyền của họ. Ðó là những đại biểu cuối cùng của một dân tộc đã từng sáng tạo một nền văn minh vẻ vang, và đã do những điều kiện lịch sử đặc biệt mà bị hấp thu vào một dân tộc láng giềng có năng lực tiến thủ mạnh hơn.


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994, tr. 234)





___________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.