Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch HCM khai sinh”




Lúc này có một sự kiện đáng ghi nhớ. Đó là việc điều động sử dụng Sư đoàn 10 của Quân đoàn III. Như trên đã nói, sau ngày giải phóng Đà Nẵng, chủ trương của Quân uỷ Trung ương được sự nhất trí của Bộ Chính trị là tập trung toàn bộ lực lượng ở nam Tây Nguyên nhanh chóng tiến thẳng xuống, miền đông Nam bộ. Trên đường vào B2, anh Lê Đức Thọ cũng đã phổ biến cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên về chủ trương này. Nhưng trước đó, trong tình hình bộ đội ta đang truy kích tiêu diệt địch, anh Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 10 tiến ra hướng biển, xuống Nha Trang, Cam Ranh. Khi biết chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các anh băn khoăn, lo lắng (…) Anh Văn Tiến Dũng điện cho tôi trình bày về vấn đề này, nói rõ cuộc tiến quân đang phát triển thuận lợi, Nha Trang, Cam Ranh là hai mục tiêu chiến lược quan trọng, tính toán thời gian sư đoàn có thể hoàn thành nhiệm vụ giải phóng hai nơi này, sau đó quay lên đường 11 rồi theo đường 20 tiến xuống vị trí tập kết ở miền đông Nam bộ, thời gian cũng không chậm là bao (…) Tôi lập tức trả lời (…) “Chúng tôi đã bàn với anh Ba, nhất trí (…) tập trung Sư đoàn 10 nhanh chóng tiêu diệt quân dù và bọn địch còn lại, đánh chiếm Nha Trang, Cam Ranh rồi tiến về phía nam” (…) 8 giờ sáng ngày 31-3, anh Dũng điện (…) “Tôi mừng quá. Thật là tâm đầu ý hợp giữa lãnh đạo và người ở chiến trường” (…)

Ngày 3-4, anh Văn Tiến Dũng cùng Đoàn A.75 vào đến Sở chỉ huy Miền. Anh Đinh Đức Thiện đến liền sau đó. Mấy hôm sau, anh Lê Đức Thọ cũng vào đến nơi (…) Anh Lê Đức Thọ (…) công bố quyết định ngày 6-4 của Bộ Chính trị thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định: Anh Văn Tiến Dũng là Tư lệnh; anh Phạm Hùng, Chính uỷ; các anh Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh; anh Lê Quang Hoà, Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị; anh Lê Ngọc Hiền, quyền Tham mưu trưởng (…) Các anh nhất trí điện ra Trung ương đề nghị đặt tên của Bác Hồ kính yêu cho chiến dịch quyết định sắp diễn ra. Ngày 14-4-1975 (…) đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị (…) “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn – Gia Định sẽ lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1300-1303)