Tục truyền Hùng Vương bảo dân xăm mình để khỏi bị thủy quái làm hại, nhưng ngắm tượng đàn ông Ðông Sơn ở trần đóng khố, tức để lộ rất nhiều da, lại không thấy dấu xăm trên mình, mà chỉ thấy dấu xăm ở trán, mặt, quanh mắt. Thực ra thì tổ tiên ta bắt đầu xăm mình mẩy tay chân từ thời nào? Chuyện người phương nam xăm trán (và nhuộm răng đen) người Tàu có để ý kỹ tới mức từng tả trong thơ (bài “Chiêu hồn” của Tống Ngọc). (Thu Tứ)



“Người Ðông Sơn mặc thế nào”

Chử Văn Tần




Về cách để đầu tóc (...) tư liệu khảo cổ học cho thấy có ba loại tóc thường gặp là cắt tóc ngắn, tết tóc thành bím thả ra sau lưng và búi tóc củ hành buộc sau gáy. Về búi tóc còn gặp cả kiểu búi tóc hình dùi để sau gáy (...)

Về mặc thì ở trần, đóng khố là hình ảnh của đàn ông, và mặc váy, áo ngắn có thắt bao là hình ảnh người phụ nữ thời Ðông Sơn (...)

Tục xăm mình của người Việt (...) có thể tìm thấy nguồn gốc từ thời Ðông Sơn, qua những chứng tích khảo cổ học tuy ít ỏi song cũng đã le lói một vài ánh sáng. Ðó là hiện tượng chúng ta ghi nhận được ở một số pho tượng người trên cán dao, kiếm đồng Ðông Sơn: xung quanh mắt, (trên) trán hay mặt có những nét chấm tròn thành vòng, hàng hay mảng. Phải chăng đây là biểu hiện tục xăm mặt của người thời đó?


(Chử Văn Tần, “Những đặc trưng cơ bản của văn minh Việt Nam thời khai sinh”, đăng trong đặc san
Khảo cổ học số 2-1984, in trong Văn hóa Ðông Sơn - văn minh Việt cổ, nxb. Khoa Học Xã Hội, 2003)