“Mình” quen chiến đấu ở Quảng Trị, chuyến này mới vào Trường Sơn. Hành quân bây giờ có lúc được ngồi xe. Ăn uống thì như trước, có lúc “quanh đi quẩn lại vẫn chỉ thấy cơm với muối”…

Khi ở bên biển, “mình” đã cảm biển kỹ. Giờ ở giữa núi rừng, “mình” cảm cũng không chịu sơ sài: “Lên đỉnh cao, nhìn ra bốn phía xung quanh, bầu trời rộng rãi khoáng đãng. Một cái gì đó rất mênh mông, rất gần gũi và cũng rất xa lạ choáng ngợp tâm hồn (…) Ở rừng, đêm thường xuống nhanh. Nằm trong võng, lắng nghe tiếng gió, tiếng con vượn kêu đêm, lắng nghe tiếng suối chảy đều đều và tiếng róc rách nhè nhẹ của từng quãng uốn khúc, tiếng dế kêu hè… như thấy một cái gì rất xưa, cổ kính (…) Ve rừng vẫn kêu đồ hồi. Gió lùa, hơi đất đã thấy lành lạnh dưới võng. Trường Sơn thật mới, nhưng sao vô cùng gần gũi”. “Mình” xuống bể lên non là để đánh giặc. Nhưng nếu không có giặc, người như “mình” vẫn nên “lên xuống” cho khỏi uổng bể uổng non…
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (18)




4-4-1971

Ô-tô đưa bọn mình về K.P., một chiều nắng nóng (…) Những chiếc xe chở đầy chiến sĩ, lắc mạnh khi chồm qua những mô đất (…) Lá ngụy trang rụng, rơi lả tả xuống sàn xe. Bụi mù mịt, chẳng mấy chốc, nhìn nhau, tóc ai cũng đều bạc đỏ cả.

Ô-tô chạy trên con đường mình đã có lần hành quân qua. Dạo ấy phải đi bộ. Nhớ tụi bạn chiến đấu cũ (…) những ngày đầu đời lính (…)

Mệt vì say xe, ngủ không còn biết trời đất là gì nữa (…)

14-4-1971

Đêm ngủ trên Trường Sơn. Rừng bạt ngàn, hoang dã, bí mật và dễ sợ. Bình minh ở rừng khó nhận thấy hơn ở đồng bằng. Hai chiếc trinh sát OV mò đến từ sớm, tiếng động cơ rền rĩ, dai dẳng.

Mình cảm thấy mệt mỏi. Đôi bàn chân nhưng nhức. Đầu ong ong, váng vất. Đã một tuần nay toàn leo núi và lội suối, bám dây song trườn qua những eo vực sâu thăm thẳm… Đồ đạc đeo trên ba-lô chẳng giảm đi được chút nào. Cơm không thấy buồn ăn nữa. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ thấy cơm với muối không, mặn đắng cả lưỡi.

Đường giao liên dẫn bọn mình ngày một vào sâu hơn về phía tây nam. Càng đi núi rừng càng thấy hiện ra nhiều. Lên đỉnh cao, nhìn ra bốn phía xung quanh, bầu trời rộng rãi khoáng đãng. Một cái gì đó rất mênh mông, rất gần gũi và cũng rất xa lạ choáng ngợp tâm hồn.

17-4-1971

Đơn vị dừng lại trên một đoạn đường cái lớn, nghỉ mười phút. Một chiếc ô-tô nằm kín đáo dưới một tùm lá cây rậm rạp. Đồng chí lái xe rất vui vẻ khi gặp bọn mình: “Buồn quá các đồng chí ạ. Xe nằm bẹp đây đã bốn ngày nay rồi. Chờ mãi chưa thấy chiếc nào trở ra để nhờ kéo về trạm”. “Xe bị chết máy à?”. “Không, bị đánh. Nó phát hiện ra được, đuổi theo. Chạy được non hai cây số thì bị. Đoạn đường này hiểm, không có chỗ nào rẽ được cả”.

Hỏi chuyện, bọn mình mới biết đồng chí lái xe phụ đã hy sinh. Đồng chí lái chính – tên là Thành – đưa bạn ra khỏi ca-bin, tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Nấm mồ được đánh dấu kỹ lưỡng, cách chiếc xe chỉ chừng bốn chục mét.

Đồng chí lái xe có giọng nói trầm trầm. Anh quê ở Nam Hà. Kể về những khó khăn dọc đường đưa hàng vào mặt trận, anh nói: “Mất xe là thường. Không mất người còn là may. Riêng tôi, tôi làm hỏng ba chiếc Zin rồi!”. Và vẻ buồn rầu, anh đập tay vào cửa ca-bin nói tiếp: “Còn đây là chiếc thứ tư tôi làm hỏng!”.

19-4-1971

Đường từ BT2 đến BT3 không thông. Đây là con đường giao liên duy nhất dẫn tới làng Hồ. Sáng nay gặp một chiếc cáng từ hướng ấy. Đồng chí thương binh nằm trên cáng mê man. Người ta đã băng bó kỹ cho chiếc chân cụt đến đầu gối của anh, nhưng máu vẫn rỉ ra võng. Một đồng chí khác bị hỏng mất mắt trái, tỉnh táo đi đầu chiếc cáng. Gặp bọn mình ngồi nghỉ, toán cáng thương cũng dừng lại. Họ xin nước uống và hỏi thăm đường ra BT1, trạm phẫu. “Đồng chí này” – họ chỉ vào chiếc cáng – “bị mìn hôm qua, đến hôm nay chưa thay băng”.

Đây là bộ phận của F70. Hôm qua trên đường về căn cứ bị phục kích (…) Anh em tổ chức lên đánh, bị vấp mìn chúng cài lại (…)

Ô-tô dừng lại bên một sườn dốc. Những nhành đá tai mèo nhô ra tưởng như những cọc tiêu trên đường hay ở trạm ba-ri-e nào đó. Dưới thung, những tia khói xanh quện ngoằn ngoèo bay lên, mùi thơm của hành tỏi xông nức mũi. Đơn vị B15 đã đến từ lúc nào rồi, đang tổ chức bữa cơm chiều dưới suối. Những tia nắng chiều xuyên qua các kẽ lá, rọi lung linh. Ve sầu kêu đổ hồi giữa tiếng các loài chim gần xa (…)

Các đại đội lần lượt tập hợp (…) Chiến sĩ dàn thành hai hàng đứng nép sát vách núi và bờ vực nhường đường cho đám xe Zin (…) quay về binh trạm.

Đồng chí dẫn đường của trung đoàn tìm đến chỗ tiểu đoàn trưởng Huấn báo qua tình hình của khu vực tạm đóng quân. “Vào được đến đây bằng ô-tô, như vậy là tốt lắm đồng chí ạ (…) hôm kia, D7 phải đi bộ suốt hai mươi tám cây số (…) Ô-tô chở D7 bị phát hiện ở H., máy bay đuổi theo phóng rốc-kết và bắn 20 ly (…) Giờ các đồng chí chỉ việc luồn vào lòng rừng khoảng hai cây nữa là đến chỗ trú quân đêm nay rồi.

Tiểu đoàn thành hàng dọc (…) tới một cái khe lớn đầy đá cuội trắng. Mặc dầu đang mùa khô, nước vẫn chảy thành dòng lớn, tung bọt trắng (…) Tới vùng thượng nguồn (…) Có nhiều cây con mắc võng rất tiện (…) Các bếp Hoàng Cầm chẳng mấy chốc đều đã âm ỉ khói (…)

26-4-1971

Chúng tôi hành quân về phía tây (…) Bốn bề lá keo dày đặc (...)

Đêm ngủ không yên tĩnh chút nào. Máy bay địch bay suốt đêm. Những đơn vị bạn hành quân tới trạm muộn, bước chân rầm rập, hối hả trong đêm tối. Họ tìm vị trí đóng quân. Những đốm lửa thuốc lá lập lòe, tiếng điếu cày kêu ròn trong tấm ni-lông trùm kín che ánh sáng.

Ở rừng, đêm thường xuống nhanh. Nằm trong võng, lắng nghe tiếng gió, tiếng con vượn kêu đêm, lắng nghe tiếng suối chảy đều đều và tiếng róc rách nhè nhẹ của từng quãng uốn khúc, tiếng dế kêu hè… như thấy một cái gì rất xưa, cổ kính. Nằm mãi, thao thức mãi, con người ta dễ suy nghĩ mông lung. Mức hồi tưởng rõ nét và mãnh liệt (…) Những mái lán xinh xinh bên đường giao liên, cô gái giao liên nhỏ nhắn đội mũ tai bèo có đôi mắt đen láy tinh nghịch nhìn anh dò hỏi, một giọng hò Thanh Hóa từ trên đỉnh núi cao lướt xuống hàng quân: “… Ra đi, thương ai ở lại đập đất, ươm cà…” (…)

Ve rừng vẫn kêu đồ hồi. Gió lùa, hơi đất đã thấy lành lạnh dưới võng. Trường Sơn thật mới, nhưng sao vô cùng gần gũi. Đêm nay trong cánh rừng – chân rừng chớm đầu của dải Trường Sơn – thấy lòng mình rạo rực, háo hức. Một cảm giác tự hào (…) “Mẹ ơi, ngày mai chúng con đi tiếp (…) Con hiểu, đường đi tới chính lại là đường kéo ngắn chuỗi ngày xa cách. Con sẽ trở về bên mẹ một ngày không xa nữa”.