Trần Vạn Giã lại về quê. Lần trước “về ngồi dưới bóng dừa cao”, lần này “nằm đong đưa” trên võng chắc giăng giữa hai cây dừa. Lần trước “nghe hồn của ca dao”, lần này rồi cũng nghe hồn của ca dao:

“Gió đâu bằng gió Tu Bông,
Thương ai bằng thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con”

Không biết ai đi đâu mà chưa “về quê nằm võng”, chỉ biết có người về rồi được võng làm xe chạy ngược thời gian đưa trở lại thời “tóc mẹ (chưa) bạc màu”…

“Tiếng võng nhà ai (…) / (…) đong đưa... / (…) đong đưa... /
Cót ca cót két nhịp thơ muôn đời”.(1)

Võng làm thơ. Người về nằm nghe “thơ võng” lâu lâu, chợt cũng gieo mấy vần “đong đưa” theo “nhịp muôn đời”!
(Thu Tứ)

(1) Trong bài “Tiếng võng đưa” của Bàng Bá Lân.



Trần Vạn Giã, “Về quê nằm võng”




Về quê nằm võng đong đưa
Thương ơi bóng mát cây dừa cố hương
Mỏi chân phiêu bạt phố phường
Người, xe, bụi, khói... càng thương quê nhà

Luống rau, giàn mướp, hàng cà...
Làm sao quên được tiếng gà gáy khuya
Đứng nhìn lên núi Đá Bia
Tu Bông gió hú không lìa tình nhau

Nơi này cắt rún chôn nhau
Nơi này tóc mẹ bạc màu thời gian
Khòm lưng mẹ gánh gian nan
Gà bươi xó bếp tro than nguội tàn

Chiều chiều mây trắng thênh thang
Mỏi mòn tiếng sóng Hòn Ngang, Hòn Trì
Đong đưa tiếng võng nói gì
Hình như đang gọi người đi chưa về…