“Trẩy hội non sông”




Ngày 28 tháng 3, tướng Uây-en, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, người đã cuốn lá cờ Mỹ để cùng đơn vị Mỹ cuối cùng rút khỏi Miền Nam Việt Nam hai năm về trước, đến Sài Gòn trực tiếp vạch kế hoạch phòng thủ cho bọn nguỵ.

Sau khi quân ta đã giải phóng hoàn toàn từ Cam Ranh trở ra phía Bắc, hai Quân đoàn 1 và 2 của nguỵ quyền Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã, Uây-en vội vã đốc thúc quân nguỵ xây dựng một phòng tuyến mạnh ngăn chặn quân ta từ xa ở Phan Rang. Uây-en điện về Mỹ xin gửi viện trợ khẩn cấp cho chính quyền nguỵ. Tổng thống Pho lập cầu hàng không chở vũ khí từ Băng Cốc (Thái-lan) đến Sài Gòn (…) hàng trăm khẩu đại bác (…) tàu sân bay Hen-cốc (…) rập rình ngoài biển Đông (…)

Nếu ở Tây Nguyên địch đã hoàn toàn bị bất ngờ, ở Huế, Đà Nẵng cũng bị bất ngờ, thì ở Sài Gòn - Gia Định chúng sẽ bị bất ngờ lớn hơn nữa (…)

Bọn chỉ huy nguỵ tăng cường cho mặt trận Phan Rang một lữ đoàn dù, một liên đoàn biệt động quân, một số đơn vị thiết giáp và pháo binh. Ngoài khơi, chúng để một đội chiến hạm sẵn sàng yểm trợ hoả lực theo yêu cầu, không quân chúng cũng dành ưu tiên (…)

Ngày 31 tháng 3, đồng chí Lê Đức Thọ đang đi dọc Trường Sơn và tôi ở Buôn Ma Thuột đều nhận được điện hoả tốc của đồng chí Lê Duẩn chỉ thị: “Cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy anh Tuấn nên vào Nam bộ sớm gặp anh Bảy Cường (Phạm Hùng) họp ngay. Anh Sáu (Lê Đức Thọ) vào luôn trong đó để họp. Anh Bảy Cường và anh Tư Nguyễn (Trần Văn Trà) không lên Tây Nguyên nữa”. Cả đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân ở Khu 5 cũng nhận được điện thông báo của Bộ Chính trị không phải lên họp ở Tây Nguyên nữa (…)

Từ đầu tháng 4-1975, trên tất cả các nẻo đường đất nước - đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, đường không, nhân dân ta sống những ngày hết sức sôi động, nhộn nhịp (…)

Quân đi như nước chảy, xe chạy gần như chỉ có một chiều: tiến về phía nam (…)

Trên đường Trường Sơn đất đỏ, bụi mù (…) các dòng xe liên tục đổ (…) qua Đức Lập, Bù Gia Mập, xuống Đồng Xoài, Lộc Ninh rồi toả vào các cánh rừng cao su Dầu Tiếng, vào chiến khu Đ, men theo bờ sông Sài Gòn, sông Bé, sông Vàm Cỏ Đông (…)

Tất cả sự chịu đựng gian khổ, chắt chiu, tần tảo của nhân dân ta, tất cả sự kiên nhẫn chuẩn bị lực lượng của chúng ta trong nhiều năm như muôn nghìn dòng suối nhỏ hôm nay dồn thành những dòng thác lớn ào ào đổ tới cuốn phăng đi những thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta (…)

Bộ đội công binh và nhân dân Nam bộ sừa chữa và mở rộng gấp (một số đoạn đường và) chuẩn bị các đường cơ động cho pháo binh di chuyển áp sát vào Sài Gòn và các đường cơ động cho bộ binh cơ giới thọc sâu vào trung tâm thành phố.

Ngày 25 tháng 3, Quân đoàn 1 (…) đang đắp đê ở Ninh Bình thì được lệnh hành quân bằng cơ giới thẩn tốc vào Nam tham gia chiến đấu. Quân đoàn vượt đường số 9, theo các đường số 12, số 15, số 14, qua Pleiku, Buôn Ma Thuột, vượt 1.700km, cuối trung tuần tháng 4 đã đặt chân tới Nam bộ.

Quân đoàn 2 (…) sau khi giải phóng Đà Nẵng bắt đầu hành quân thần tốc theo đường ven biển vào đông Nam bộ (…) Quân đoàn 2 tổ chức thành từng khối hành quân: công binh đi trước gặp cầu đường hỏng là chữa ngay, xe tăng đi tiếp theo có địch là đánh liền. Mỗi khối hành quân có một trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ, bộ binh và pháo binh đi sau (…)


(Trích chương 10, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)