Tống Ngọc sống khoảng vài trăm năm trước Tây lịch. Cái đất phương nam tả trong bài thơ Chiêu hồn không phải là nước Văn Lang hay Âu Lạc, mà đại khái là vùng Lĩnh Nam. Những người anh em nào đó có ăn trầu không nhỉ? (TT)



Bình Nguyên Lộc, “Bài thơ Chiêu Hồn”



Nghiên cứu bài Chiêu hồn, Ghéquier trong Văn học sử Trung Hoa cho rằng Tống Ngọc chiêu hồn một ông vua. Nhưng không phải thế. Tống Ngọc chỉ làm bài thơ đó cho vui và để có dịp tả các thứ dân sống quanh nước Trung Hoa thời ấy (...) Ðây, bài thơ Chiêu hồn:

“Hồn, hỡi hồn, về đây, đừng đi ra bể Ðông,
Ở đó, hằng chục mặt trời, làm chảy đá, chảy loại kim,
Hồn sẽ tiêu tan thành nước, đừng tin cậy vùng đó.
Hồn, hỡi hồn, về đây, đừng đi về hướng Tây,
Cát mềm ngàn dặm, sa mạc minh mông,
Ngũ cốc không mọc, sông hồ cạn queo,
Hồn sẽ bị đốt cháy khô, nên tránh hướng đó.
Hồn, hỡi hồn, về đây, đừng đi lên miền Bắc,
Băng giá cao như núi, tuyết phủ ngàn dặm.
Hồn hỡi hồn, về đây, đừng xuống phương Nam,
Ðó là xứ rắn mãng xà khổng lồ,
Bọn xâm trán, bọn đen răng sẽ mần thịt
Hồn để cúng tế, nấu xương hồn mà làm canh.”


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971, tr. 808-809)