“Đảo y”

của Đỗ Phủ




“Không về”! Cái thời ấy lính chết như rạ nên người ở nhà mới bi quan thế. Chàng ơi, có nghe tiếng chày em giặt áo cho chàng đây không? Nhưng biết chàng có còn sống để nghe! Âm thanh có khi phải vượt ngăn cách âm dương đấy!

Nguyên văn

Diệc tri thú bất phản
Thu chí thức thanh châm
Dĩ cận hàn khổ nguyệt
Huống kinh trường biệt tâm
Ninh từ đảo y quyện
Nhất ký tái viên thâm
Dụng tận khuê trung lực
Quân văn không ngoại âm.


Dịch nghĩa

Cũng biết lính thú thì không trở về
Mùa thu tới, (vẫn) lau sạch tảng đá giặt áo
Đã gần đến tháng rét đậm
Huống lòng nhớ người xa cách lâu ngày
Cho nên sá gì nện áo mệt mỏi
Chỉ cần kịp gửi tới nơi đồn ải xa xôi
Dùng hết sức của người trong buồng the
Mong tiếng chày vượt được không gian ngăn cách.

Dịch thơ

Người về chưa biết năm nao
Thu sang, kẻ đợi vẫn lau thạch bàn
Vào đông, rét lắm quan san!
Huống từ ly biệt muôn vàn tưởng tơ
Rã tay, nhịp dám để thưa
Sao cho áo kịp tay đưa đến chàng
Sức hèn lòng chẳng từ nan
Đầu kia nỗi nhớ, chăng vang tiếng chày?
(1)

Bản dịch thơ khác

Gần thu miếng đá gượng lau rồi
Cũng biết chàng nay việc chửa rồi
Áo kép chờ may ba tháng lạnh
Chăn đơn chực đó mấy năm trời
Nghề riêng dám trễ tay canh cửi
Của chút làm ghi dạ một hai
Chăm chỉ buồng thêu đà hết sức
Tiếng chày văng vẳng thấy chăng ai.
(Trần Tế Xương)

Biết chàng đi thú còn lâu
Thu về, đá giặt em lau sẵn sàng
Nay mai cây héo lá vàng
Luống tình ly biệt kể hàng mấy đông
Áo này giặt chẳng quản công
Gửi ra ngoài ải những mong kịp ngày
Phòng khuê xin hết sức này
Ðể chàng nghe thoảng tiếng chày canh thâu.
(Khuyết danh)



Thu Tứ














_______
Tên bài nghĩa là “Nện áo”.
(1) “Ở hai đầu nỗi nhớ” là tên một bài thơ của Trần Hoài Thu mà Phan Huỳnh Điểu đã phổ thành ca khúc.