Võ Nguyên Giáp, “Phải tính bằng ngày!”




Chiến thắng lớn, dồn dập, như một phản ứng dây chuyền (…) Bài toán thời gian lúc này (…) phải tính bằng ngày (…)

Những tấm lá chắn của địch ở phía bắc đã bị phá toang. Con đường dẫn tới sào huyệt của chế độ Sài Gòn đang mở rộng (…)

Chiều 29-3-1975, đồng chí Bí thư thứ nhất gửi điện cho Trung ương Cục Miền Nam: “Tình hình biến chuyển mau lẹ (…) Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn bắt đầu từ đây”.

Sáng 31-3, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng (…)

Thay mặt Quân ủy Trung ương, tôi báo cáo tổng quát tình hình chiến trường một tháng qua, đặc biệt nêu rõ diễn biến chiến sự trong hạ tuần tháng 3 (…) Ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn nguỵ và khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hủy trên 40% cơ sở vật chất và hậu cần của chúng (…) Âm mưu co cụm chiến lược của địch đã bị phá sản (…) Tuy vậy, địch vẫn ngoan cố lập tuyến phòng ngự từ xa (…) Địch tập trung ở Phan Rang (…) Sư đoàn 2 bộ binh vừa được khôi phục, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động quân, có Sư đoàn 6 không quân đóng ở sân bay Thành Sơn yểm trợ. Đồng thời, chúng thu thập tàn quân, chấn chỉnh các đơn vị còn lại, điều chỉnh thế bố trí nhằm tăng cường phòng thủ khu vực Sài Gòn - Gia Định và đồng bằng sông Cửu Long (…) Tôi đề nghị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây chiến lược ở phía đông và phía tây Sài Gòn - Gia Định, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch (…)

Các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị phát biểu, đồng ý với đề nghị của Quân ủy Trung ương (…) (nhắc) ở hướng tây nam (phải) cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long (…)

Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng lớn nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh Sài Gòn (…) Bất ngờ hiện nay là ở thời gian. Một mặt cơ động lực lượng nhanh chóng (…) mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có (…) không chờ đợi tập trung đông đủ mới làm ăn (…)

Phải “thần tốc, thần tốc” (…) (Cụ thể là) phải tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tiến công quy mô lớn vào Sài Gòn (…).


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1291-1294)