Từ khoảng đầu tháng 8 đến đầu tháng 10-1969, “tôi” buồn, u uất, vì bị chính trị viên đối xử bất công. Đó là một người phẩm chất rất kém. Gương xấu của Luân ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần của tất cả chiến sĩ trong đơn vị. May Luân sớm biến mất. Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của cán bộ. Chọn nhầm cán bộ thì không thể thành công, thắng lợi gì hết!

Tuy đang buồn, nhưng khi biết sắp được trở ra Bắc, sẽ gặp lại gia đình, bạn bè, “tôi” “không thích” mà “muốn ở lại lắm”. Vì việc chưa làm xong nên “lòng không được thanh thản”. Ngoài ra, “tôi muốn ở lại cũng vì yêu”: “Tôi yêu con người Vĩnh Linh già có, trẻ có, với những khuôn mặt lầm lì, chịu đựng; yêu các o dân quân trên những ụ súng phòng không, các o giao liên; yêu bến đò, các loại súng và cả những giọng hát sai nhạc!... Yêu nhiều lắm, kể làm sao hết được…”. Đất nước thật may mắn có những người con như “tôi”.
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (16)




4-6-1969

Hai giờ chiều, mình cùng Tính được lệnh ra Bắc công tác gấp.

Dọc đường, qua Kinh Môn, An Xá, L-19 bay nhiều, phải lấy lá ngụy trang kỹ (…)

Gần đến Dốc Miếu, hai đứa hơi sợ vì căn cứ này nằm dọc đường đi. Mình trông thấy rõ những ụ lô-cốt, hai cột đèn pha… Nếu chúng phát hiện bọn mình, lập tức, đạn 37 ly sẽ réo đến ngay (…)

Tới cống đường sắt, gặp hai cô dân quân Gio Hà đang ngồi chờ trời tối qua đò. Mình nhìn những gương mặt xanh lướt với mắt thâm quầng vì thiếu ngủ mà lòng đầy cảm phục và thương. Khẩu Col 15 dựng cạnh hai cái gùi nhỏ, xinh xinh.

Mình và Tính không thể chờ trời tối được (…) Chờ một lúc, thấy L-19 bay hết, hai đứa cởi quần áo, lội xuống sông, bơi riết (…)

2 giờ sáng ngày 5, lại trở vào Nam. Qua đò trong màn đêm trắng đục lờ nhờ của ánh trăng rọi qua mây, những tiếng rít của pháo và những tiếng nổ chát chúa đến đau óc!

6-6-1969

Công tác liên tục. Ngủ ít. Đi chỉ chực muốn ngã. Ra cống đường sắt đón vận tải chuyển gạo. Lên đội 5 bàn giao các lượng dự trữ. Trở lại hậu cần tiểu đoàn nạp lương khô… Người mệt không thể tưởng được. Pháo bắn không ngớt dọc đường, chẳng biết sống chết lúc nào nữa, cứ đi bừa phứa. Đèn pha ở Ba Dốc quét chói cả mắt.

7-6-1969

Thu xếp ra Bắc.

Sáu giờ chiều, toàn tiểu đoàn được lệnh trở ra. Đúng lúc ấy, ở phía đội 5 (Tân Bích) súng bộ binh nổ ran lên, có thể phân biệt rõ tiếng của AK, RPĐ, và các loại cực nhanh, phóng lựu của tụi nó. “Đụng độ” rồi! Bọn mình không gặp địch, hành quân gấp dưới ánh pháo sáng. Ra đến bến đò, gặp anh em đội 5 đang dẫn theo tám thằng tù binh ngụy. Phấn khởi quá. Họ kể: “Đang thu xếp đi thì trinh sát phát hiện có địch. Đơn vị lập tức triển khai đội hình đón đánh”. Bọn địch từ trên Cùa hành quân về Hà Thanh để chuẩn bị tổ chức càn ngày mai (…)

8-6-1969

Đi suốt cả đêm qua, sang sông Bến Hải, lòng náo nức vô cùng. Đất Bắc đây rồi, lại được nghe thấy tiếng gà gáy sáng, tiếng đài phát thanh, tiếng trẻ con khóc… Ôi, sự sống!...

1-9-1969

(…) Mưa. Mưa rây bụi lấm tấm như trời đã sang xuân rồi. Gió mang vị biển tràn vào mát rười rượi. Cảnh vật chung quanh bỗng tươi hẳn lên. Người ta cười và nói với nhau những lời nhẹ nhàng hơn, dễ dãi hơn (…)

15-9-1969

(…) Hôm nay lại đi, đi về bến Tắt. Từ cao điểm 84, nhìn sang Cồn Tiên, rõ quá. Và chỉ có đứng từ khu Tây này trông sang mới thấy được đồi Cồn Tiên rộng lớn nhường nào (…)

Bọn mình xuống tới bến Tắt lúc 16 giờ. Trời đầy mây mù. L-19 bay thấp quan sát. Sông Bến Hải ở đây không gọi là sông nữa, mà gọi là suối thì đúng hơn (…)

18-9-1969

(…) Chiến sĩ trong đơn vị ngày càng sa sút về tinh thần. Họ không vui vẻ và luôn luôn tụ tập bàn tán (…) (Tình trạng này xảy ra) từ ngày ông Luân về làm chính trị viên (…) Họ thở phào nhẹ nhõm khi được tin Luân sẽ rời đơn vị (…) Luân ghét tôi (xưng với một người bạn nào đó) vì tôi chẳng bao giờ làm hài lòng Luân cả (…)

10-1969

Tôi đang chuẩn bị “quang gánh” để rời khỏi đây chị ạ! (…)

Cứ nghĩ, ngày mai hay ngày kia, bọn tôi sẽ lên đường trở ra. Ừ thì cũng có nhiều cái vui: gặp lại gia đình, bạn bè, thế nhưng sao vẫn buồn, lòng không được thanh thản thế nào.

Thú thực, tôi chẳng muốn lùi ra đằng sau, tôi không thích trở về lúc này (…) Tôi muốn ở lại lắm (…) Tôi nói thật đấy, chị ạ (…)

Tôi yêu những mái nhà hầm Vĩnh Linh, yêu những cồn cát trắng xóa và những vùng đất đỏ hễ mưa xuống là ngập, lầy lội. Tôi yêu dòng sông Sa Lung, dòng Bến Hải với những bến đò sơ tán.

Thật quý bao nhiêu khi nghe tiếng trẻ ở đây, các em ríu rít: “Chào chú bộ đội ạ!”. Chị biết đấy, trẻ em ra ngoài đó hầu hết, chỉ một số rất ít ở lại. Tôi yêu con người Vĩnh Linh già có, trẻ có, với những khuôn mặt lầm lì, chịu đựng; yêu các o dân quân trên những ụ súng phòng không, các o giao liên; yêu bến đò, các loại súng và cả những giọng hát sai nhạc!... Yêu nhiều lắm, kể làm sao hết được, tôi muốn ở lại cũng vì yêu! (…)