Võ Nguyên Giáp, “Xong Đà Nẵng”




Hội nghị kết thúc. Vừa lúc đó, có tin quân ta đã tiến vào thành phố Huế hồi 10 giờ 30 phút ngày 25-3-1975 (…)

Ngày 26-3, quân ta giải phóng hoàn toàn cố đô Huế (…)

Ngày 26-3 (…) Tôi triệu tập các đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận Quảng Đà vừa được chỉ định (…) bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng (…)

Anh Tấn trải lên bàn một tấm bản đồ lớn, trên đó đã lên kế hoạch tiến công theo phương án chuẩn bị năm ngày (…)

Tôi suy nghĩ (…) Địch kêu gọi “tử thủ”, nhưng (…) khả năng địch rút vẫn tồn tại. Vậy phải có phương án đánh thật nhanh (…) Tôi chỉ thị làm kế hoạch đánh địch theo tình huống chúng rút trong ba ngày (…)

Anh Tấn (…) - Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp.

Tôi nói, giọng có phần gay gắt: -Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị ba ngày. Nếu chuẩn bị năm ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi. Mặc dầu pháo binh và hải quân địch có thể bắn phá, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công thẳng vào Đà Nẵng. Từ phía nam cũng theo đường số 1 tiến công lên. Không họp đảng uỷ, chỉ trao đổi bằng điện.

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi tỏ ra không bằng lòng với anh Lê Trọng Tấn, một trong những tư lệnh xuất sắc nhất của quân đội ta mà tôi luôn quý mến. Anh Tấn không phát biểu thêm, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Sau này, anh đã đến gặp tôi, thân tình, cởi mở nhắc lại cuộc tranh cãi về phương án năm ngày và phương án ba ngày, rồi vui vẻ nhận khuyết điểm (…)

Quyết định để Sư đoàn 308 ở lại miền Bắc (…) có gây thắc mắc trong hàng ngũ các chiến sĩ Quân Tiên Phong. Ngày 26-3, đồng chí Hoàng Kim, Chính uỷ Sư đoàn lên Bộ đề đạt nguyện vọng của Sư đoàn xin được đi chiến đấu. Hiểu rõ tâm trạng của anh em 308, tôi thân mật căn dặn: - Sư đoàn đang làm một nhiệm vụ hết sức quan trọng (…) Hãy chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần đến (…)

(Trở lại Đà Nẵng) Tại đây, địch hiện có khoảng 10 vạn tên (…) 373 máy bay các loại (…) pháo binh (…) kỵ binh (tăng thiết giáp) (…) hải quân (…)

Ngày 27-3, ở phía bắc Đà Nẵng, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Quân đoàn II và một sư của Quân đoàn I phát triển tiến công trên hai hướng: từ đèo Mũi Trâu theo đường 14 tiến xuống từ phía tây bắc; từ Phú Lộc, theo đường số 1 đánh chiếm Thừa Lưu, Cầu Hai, Lăng Cô, đèo Hải Vân, áp sát thành phố từ phía bắc. Riêng Sư đoàn 304 (…) tiến công Đà Nẵng từ phía tây nam (…) Sư đoàn 2, các lực lượng pháo binh, cao xạ, tăng, thiết giáp của Quân khu 5 (…) bỏ qua các mục tiêu dọc đường, tiến thẳng về Đà Nẵng từ phía nam.

Pháo binh của quân ta bắt đầu nã đạn, khống chế hai cảng và sân bay (…) Đà Nẵng rơi vào tình trạng hỗn loạn (…) Quân địch mất tinh thần (…) Bọn chỉ huy hốt hoảng, chỉ lo đưa vợ con tìm đường chạy trốn (…)

Sáng ngày 29-3, trận pháo kích lớn diễn ra: 30 khẩu pháo cỡ lớn của ta dồn dập bắn vào Sở chỉ huy Quân đoàn I nguỵ, sân bay Đà Nẵng, cảng Mỹ Khê, bán đảo Sơn Trà, sân bay Nước Mặn, từ 5 giờ đến 10 giờ sáng. Sau đó, pháo chuyển làn bắn ra mép nước, ngăn chặn không cho tàu địch vào bốc bọn tàn quân (…)

Chỉ trong vòng 32 giờ quân ta lần lượt đánh chiếm các mục tiêu (…) giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An, tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn tên trong bộ máy quân sự và hành chính của nguỵ ở đây (…)

Đã thành thói quen, mỗi lần thắng lớn, tôi lại nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: “Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới chỉ là buớc đầu. Các chú không được chủ quan, khinh địch”. Cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn Miền Nam đang còn ở phía trước. Càng đến gần sào huyệt, quân địch tất sẽ càng phản ứng quyết liệt hơn. Ngay ngày hôm sau, 30-3, một đoàn cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, được cử ngay vào Đà Nẵng nghiên cứu rút kinh nghiệm tại chỗ về cách đánh của bộ đội chủ lực kết hợp với quần chúng nổi dậy ở một thành phố lớn, chuẩn bị cho trận đánh quyết định sắp diễn ra.