"Vui là vui gượng kẻo là..." Khách vào chốn lầu xanh cốt mua vui. Làm "gái" phải có vui để bán cho khách! Nhưng vui là mặt Kiều, chứ ruột gan Kiều cả nước đều biết héo hơn lá chuối hơ lửa!

Có thể vui mặt héo lòng, thì cũng có thể buồn mặt mà tươi lòng.

Mặt nọ lòng kia không nhất thiết giả dối. Kiều "cười suốt đêm" hẳn là cười thật chứ, chỉ có điều cái cười dữ dội do bị... thọc lét ấy chẳng làm thắm lại được lòng Kiều.

Cũng vậy, trước thảm cảnh người Việt có thể khóc nức nở, nhưng không bao giờ chúng ta chịu để tiếng khóc thống thiết, chân thành của chính mình dập tắt ngọn "lửa sống" nơi mình.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, “Buồn mà không chán”




Tinh thần Việt Nam biểu lộ trong ca dao và cổ tích, không phải một tinh thần buồn bã, yếu hèn, sợ sống, sợ đấu tranh. Trái lại đó là một tinh thần vui vẻ, lạc quan, ham sống, ham vật lộn (...) Tinh thần ấy, mỗi khi bị nén xuống, đều cố tìm đường thoát dậy, mỗi khi gặp một sự thật đau đớn, lại cố tìm một cách chữa cho kỳ được. Nó yêu khỏe khoắn, buồn trung hậu, chứ không đắm đuối, chịu đựng, ủy mị. Nó khác hẳn những tư tưởng chán đời, thoát tục. (tr. 636-637)

tinh thần đó (...) giữ vững lửa sống (tr. 637)


(Trong "Sức sống của dân tộc Việt Nam trong ca dao và cổ tích", bài nói chuyện đầu năm 1944, in lần đầu trong
Mấy vấn đề văn học, nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1958, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Ðà Nẵng, Việt Nam, 1999)




____________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.