“Ba mẹ lo lắng và mong mỏi về con, con nói để cho ba mẹ rõ, con vẫn bình an và vẫn đàng hoàng. Tuy nhiên (…) (mỗi khi) nhớ tới ba mẹ, (hình dung) mẹ lăn lộn khóc lóc khi biết tin con (hy sinh), con lại thấy nao nao trong người (…) Không phải vì thế mà con sợ chết và thoái chí chiến đấu đâu. Nhưng kẻ nào không có những cảm xúc trên thì kẻ đó là một người máy (…) Con sẽ năng viết thư về để ba mẹ khỏi lo lắng. Nhưng nhiều khi con cũng ngại việc liên tục gửi thư, vì sợ “nhỡ” thư sẽ không có nữa!”.

Quảng Trị thì thân nhân ở Hà Nội cũng vào tận nơi được, nói chi thân nhân ở ngay Quảng Trị. Mỗi lần thấy những khuôn mặt đau đớn của mẹ các đồng đội hy sinh, lại hình dung khuôn mặt của mẹ mình nếu mình cũng… Nhưng đào ngũ ư? Thì sẽ được thấy nơi mẹ một biểu lộ khác “khó chịu” hơn. Phải tiếp tục đi tới, còn sống thì về chứ không thể bỏ về bây giờ! Thư gửi đều thì ở nhà sẽ mau sốt ruột hơn khi vắng thư. Đắn đo, thương ơi!

“Cuộc sống của anh nơi đây, em đã biết đấy, nó gian khổ vô cùng. Nhưng không bao giờ anh muốn đổi cái gian khổ này lấy cuộc sống đầy đủ, mỹ mãn về vật chất và khoái lạc mà không mang được tý ý nghĩa nào cả”.

Luôn luôn có những người không cần đời sống của mình có một tý ý nghĩa cao thượng nào cả. Nhờ họ là số ít, cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc mới thắng lợi.
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (14)




2-11-1968

Từ 20 giờ đêm qua sống trong một trạng thái thoải mái, thú vị (…) Mỹ đã ngừng ném bom trên lãnh thổ Miền Bắc (…)

Bầu không gian thật vô cùng tĩnh lặng. Hết rồi những tiếng gầm rú, tiếng nổ điên loạn! Hết rồi cảnh hồi hộp, chờ đợi loạt “tọa độ” vút xuống từ tiếng ì ì trên cao!... (…)

Súng vẫn nổ bên bờ Nam. Lên đồi cao, thấy khói pháo còn lóa trắng ở chân Cồn Tiên, Ba Dốc.

Thay đổi đột ngột quá.

Ô-tô lù lù chạy giữa ban ngày. Từng toán đông người đi sửa đường (…)

3-11-1968

Anh Thiệm ở Hà Nội vào rất bất ngờ. Nhận được quà của gia đình, cả một tập thư dày cộm. Xem thư của mẹ đầu tiên, không giấu nổi nước mắt. Tốt lắm rồi, đầy đủ lắm rồi.

12-12-1968

(…) Trời không rét, nắng và gió, da dẻ nứt nẻ, khô không khốc.

Bờ Nam, bom đạn nổ, dội ầm ì suốt đêm ngày (…)

Xe cộ ngoài vào nhiều (…)

5-1-1969

Lâu rồi, không viết nhật ký (…) Mưa kéo dài, nhưng không rét. Có ngày nắng đột ngột lên, oi bức, rồi đêm xuống lại lành lạnh (…)

23-1-1969

Anh Bửu vào đây ngày 19-1, con đi công tác ngoài Quảng Bình, về gặp anh, mừng quá ba mẹ ạ. Con đã nhận được thư (và quà) (…)

Chúng con chuẩn bị vào nữa rồi (…) Mấy ngày nay, chúng đánh phá rất mạnh (…) Đêm, pháo sáng bắn đầy trời, trực thăng mang đèn hiệu bay nhì nhằng như đom đóm nhiều tầng; pháo, bom nổ không ngớt, súng 37 ly trên xe tăng bắn liên hồi… Ở ngoài này, chúng con nghe và nhìn thấy trong đó mà phát sốt cả ruột.

Ba mẹ lo lắng và mong mỏi về con, con nói để cho ba mẹ rõ, con vẫn bình an và vẫn đàng hoàng. Tuy nhiên (…) (mỗi khi) nhớ tới ba mẹ, (hình dung) mẹ lăn lộn khóc lóc khi biết tin con (hy sinh), con lại thấy nao nao trong người (…) Không phải vì thế mà con sợ chết và thoái chí chiến đấu đâu. Nhưng kẻ nào không có những cảm xúc trên thì kẻ đó là một người máy (…) Con sẽ năng viết thư về để ba mẹ khỏi lo lắng. Nhưng nhiều khi con cũng ngại việc liên tục gửi thư, vì sợ “nhỡ” thư sẽ không có nữa! (…)

Khi bị thương, ở viện về, nghĩ đến con đường mình đi chưa đâu vào đâu, con không muốn phải phục viên (…) (mà) quyết định ở lại đơn vị (…) Tưởng là làm việc gì, ai ngờ trên sắp xếp cho con làm quản lý. Con đã từ chối nhiều lần nhưng không được (…) Cái nghề quản lý (…) phức tạp lắm (…) con đang làm đơn xin thôi (…) Nếu được chấp nhận (…) con sẽ trở về các trung đội chiến đấu (…) Cụt một ngón tay vẫn bóp cò được (bắn phát một) (…)

24-1-1969

Hôm nay, C1 tiểu đoàn chúng con đã lên đường vào (…) C3 con cũng đang trong tình trạng báo động lên đường (…) Vào Nam chỉ mang trong người một bộ dài đang mặc, hai bộ lót, mũ, màn, ba-lô, 7 ngày gạo chiến đấu, 2 ngày gạo rang, 2 ngày lương khô (…)

1-4-1969

Cuộc sống của anh nơi đây, em đã biết đấy, nó gian khổ vô cùng. Nhưng không bao giờ anh muốn đổi cái gian khổ này lấy cuộc sống đầy đủ, mỹ mãn về vật chất và khoái lạc mà không mang được tý ý nghĩa nào cả.

Đang nằm mơ về Thà, không rõ hình ảnh.

19-5-1969

Sau một tuần chờ đợi, nóng ruột vì những tin tức sốt dẻo từ bên kia sông về những trận đánh thắng lợi (…) hôm nay, đại đội 3 của bọn mình sẽ khởi hành, vượt sông sang thay thế đơn vị bạn (…) Mọi người lo sửa soạn súng đạn, gạo nước… Riêng mình còn phải lo bàn giao tiền nong, đường sữa, mắm muối cho người ở lại (…)

Mình chuẩn bị xong xuôi rồi, vài giờ nữa sẽ lên đường. Thôi nhé, chào tạm biệt (…) Vĩnh Linh (…) Vĩnh Lâm (…) Vĩnh Sơn (…) Ba mẹ và các em của con ơi! Giờ này đang làm gì ngoài đó? Có nhớ đến con không? Thà em thân yêu ơi, anh đi nhé! Hãy tin tưởng, anh sẽ bình an, sẽ trở về bên em trong ngày chiến thắng, trong danh dự.