“Ngày 25-3: Giải phóng xong Trị - Thiên”




Khi Mặt trận Tây Nguyên nổ súng thì ở Trị Thiên quân ta cũng mở đầu hoạt động phối hợp, tiến công địch ở cả giáp ranh và đồng bằng. Lực lượng vũ trang quân khu đã bao vây trên một diện rộng các căn cứ địch, diệt và bức rút một số đồn bốt, đồng thời đẩy mạnh đánh phá các hậu cứ, kho tàng, cắt đường giao thông của địch (…)

Ngày 18 tháng 3, phán đoán địch có thể rút bỏ Huế, đưa Sư đoàn bộ binh 1 vào Đà Nẵng và tổ chức phòng thủ từ đèo Hải Vân trở vào nam, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 (…) đưa lực lượng thọc qua tuyến phòng thủ bên ngoài cắt đứt đường số 1 và áp sát Huế (…) trước mắt tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh ngụy (sau đó) giải phóng Huế và toàn bộ Trị Thiên.

Ngày 19 tháng 3 (…) giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị (…) địch co về phòng thủ tuyến nam sông Mỹ Chánh (…)

Ngày 21 tháng 3 (…) các lực lượng của Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 đồng loạt tiến công vượt qua các tuyến phòng thủ của địch, hình thành nhiều mũi bao vây Huế, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 bộ binh nguỵ, Lữ 147 thuỷ quân lục chiến nguỵ, cắt đứt đường số 1 giữa Huế và Đà Nẵng (…) Pháo tầm xa của ta chế áp căn cứ Đống Đa, Mang Cá, bắn phá sân bay Phú Bài (…)

Địch (…) rút chạy ra cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Con đường ra biển là niềm hy vọng cuối cùng (…) nhưng thực tế đã biến thành con đường chết (…) Pháo ta vừa bắn khống chế (…) không cho tàu địch vào đón bọn rút lui, vừa bắn tập trung vào quân địch dày đặc ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền (…) Xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải và hàng chục nghìn lính địch (…) đạp nhau mà chạy, bắn nhau để lấy đường chạy (…) Sư đoàn 1 nguỵ từng được Mỹ coi là sư đoàn thiện chiến bị tiêu diệt (…)

Ngày 25 tháng 3 (…) từ nhiều hướng, quân ta tiến công vào thành phố Huế. Đúng 10 giờ 30 phút, quốc kỳ được kéo lên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn (…)

Hoạt động phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên, các lực lượng vũ trang Quân khu 5 (…) ngoài việc dùng Sư đoàn 3 (…) cắt đường số 19, đã giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, đánh bại quân địch phản kích, buộc địch rút khỏi Sơn Hà, Trà Bồng, giải phóng gần hết vùng giáp ranh, đồng thời đẩy mạnh đánh phá ở đồng bằng, nhất là ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Sau khi ta giành thắng lợi lớn ở Tây Nguyên, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (…) bỏ kế hoạch phát triển về phía nam, chuyển hướng tiến công về phía bắc nhằm tạo điều kiện cho việc giải phóng Đà Nẵng.

Sau ngày 18 tháng 3 (…) Bộ Tổng tư lệnh cũng chỉ thị cho Khu 5 (…) nhanh chóng phá vỡ tuyến giáp ranh (…) cắt đứt đường số 1 giữa Đà Nẵng và Tam Kỳ, tiêu diệt Sư đoàn 2 bộ binh nguỵ, không cho co cụm về Đà Nẵng, tổ chức pháo kích Đà Nẵng và chuẩn bị (…) đánh Đà Nẵng (…)

Ngày 21 tháng 3 (lực lượng ta) uy hiếp Tam Kỳ, kéo Sư đoàn 2 nguỵ từ Quảng Ngãi ra (…) Trong hai ngày 24 và 25 tháng 3 (…) tiêu diệt và làm tan rã trung đoàn 4 và trung đoàn 5 của Sư đoàn 2 nguỵ, giải phóng Tam Kỳ và Tuần Dưỡng. Lực lượng địa phương Quảng Ngãi (…) giải phóng phía bắc tỉnh, phát triển tiến công chiếm căn cứ Chu Lai (rồi) giải phóng toàn tỉnh (…) làm cho thế phòng thủ Đà Nẵng của địch bị uy hiếp thêm về phía nam (…)

Ngày 25 tháng 3, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh (…) quyết định mở trận tiến công Đà Nẵng (…) chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Khu 5 (…) tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực lớn của địch ở Đà Nẵng, chủ yếu là Sư đoàn thuỷ quân lục chiến và Sư đoàn 3 nguỵ (…)

Để chỉ huy trận đánh quan trọng này, ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, gồm các đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính uỷ. Đồng chí Lê Trọng Tấn đáp máy bay từ Hà Nội vào Gio Linh. Lúc đó đồng chí Chu Huy Mân đang (ở) giữa Quảng Tín và Quảng Ngãi. Muốn chỉ huy đánh Đà Nẵng phải lập sở chỉ huy ở phía tây Đà Nẵng. Đồng chí Lê Trọng Tấn tới Quảng Trị liền rẽ lên A Lưới theo đường phía đông Trường Sơn rồi vòng về phía tây Đà Nẵng (…)


(Trích chương 9, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)