Bất hạnh vô cùng, những người lính “Việt Nam Cộng hòa”. Tất cả là do những kẻ đã dựa vào ngoại bang mà giở trò cát cứ, chia đôi đất nước.(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Xong Trị Thiên, tới Đà Nẵng”




Tôi điện cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn II truyền đạt quyết tâm của Bộ Chính trị, ra lệnh khẩn trương chuyển sang kế hoạch thời cơ (…)

Ngay chiều hôm ấy (18-3), tôi vào Ninh Bình trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 1 (…) Các đồng chí Nguyễn Hòa – Tư lệnh – và Hoàng Minh Thi – Chính ủy – đón đoàn tại Sở chỉ huy (…) Đây là quả đấm chủ lực mạnh, gồm những đơn vị có bề dày truyền thống, sẽ góp phần cùng các đơn vị chủ lực khác của Bộ và các Quân khu, quyết định chiến trường trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh (…) Tôi ra lệnh cho quân đoàn kiểm tra mọi mặt chuẩn bị lên đường chiến đấu, để lại Sư đoàn 308 (…) một thắc mắc phổ biến trong cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 là không được sát cánh cùng quân và dân miền Nam trực tiếp lập công (…)

Cũng trong chuyến đi này (tôi gặp) đồng chí Đàm Quang Trung – Tư lệnh Quân khu 4 – (…) giao nhiệm vụ chuyển các lực lượng vũ trang và nhân dân (trong địa bàn Quân khu) vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cao (…)

Cục Tác chiến báo cáo: ngày 19-3, quân ta tiến công giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị (…) Địch co về giữ phòng tuyến sông Mỹ Chánh. Sau khi trao đổi với các anh Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn, tôi hạ quyết tâm mở trận tiến công lớn, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế (…) Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn II phải khẩn trương đánh chặn, chia cắt, tiêu diệt cho được toàn bộ Sư đoàn 1 nguỵ và các lực lượng khác, thu toàn bộ trang bị, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế, chiếm lĩnh đèo Hải Vân (...)

Sáng 20-3 có tin do trung đoàn kỹ thuật 75 vừa thu được: Hồi 13 giờ 30 phút ngày 19-3, Thiệu gửi cho Ngô Quang Trưởng bức điện nội dung (…) quyết định bỏ Trị - Thiên - Huế để về giữ Đà Nẵng (…)

Ngày 22-3, anh Lê Tự Đồng – Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên – và anh Nguyễn Hữu An – Tư lệnh Quân đoàn 2 – báo cáo đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 ngụy, bao vây Huế, cắt đứt đường số 1 giữa Huế và Đà Nẵng (…) Quân địch không còn con đường nào khác là rút chạy ra biển theo hướng cửa Thuận An và cửa Tư Hiền (…) Hàng chục ngàn quân nguỵ cùng với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép nhanh chóng bị tiêu diệt (…) Cảnh thảm bại trên đường số 7 ở Tây Nguyên, một lần nữa lại diễn ra trên đường từ Huế xuống cửa Thuận An (…)

Ngày 24-3-1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp. Điểm lại tình hình từ cuộc họp ngày 18-3, hội nghị mừng thấy tình hình các mặt trận đang phát triển tốt (…)

Thay mặt Bộ Tổng Tham mưu, anh Lê Trọng Tấn báo cáo: ở chiến trường Trị - Thiên ta sẽ dứt điểm nhanh. Quân địch đang rút chạy về co cụm ở Đà Nẵng (…)” (…)

Tôi nói (…) Theo tin nhận được (…) địch có thể rút chạy khỏi Đà Nẵng. Nếu chúng thoát được vào phía nam thì cuộc Tổng tiến công của ta ở chiến trường trọng điểm sẽ gặp khó khăn. Vậy ta cần nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, tiêu diệt sinh lực của địch ở đây, tạo thuận lợi phát triển tiến công trong các bước sau (…) Nếu ta chiếm được Đà Nẵng trong tháng 4, tinh thần quân nguỵ sẽ suy sụp lớn (…) Ta phải đặt yêu cầu cao hơn, giải phóng Sài Gòn trong tháng 5, trước mùa mưa. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng, đi đôi với việc tập trung cao độ lực lượng từ phía bắc đánh xuống, B2 phải cắt đường số 4, cô lập Sài Gòn và gây sức ép mạnh từ phía tây nam (…)

Tôi (…) đề nghị mở mặt trận Quảng Đà, cử Bộ Tư lệnh mặt trận do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính uỷ (…) Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Quân đoàn III gồm các đơn vị vừa tác chiến ở Tây Nguyên, với Tư lệnh là đồng chí Vũ Lăng, Chính uỷ là đồng chí Đặng Vũ Hiệp.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1269-1276)