“Tây Nguyên: Địch bỏ chạy, bị tiêu diệt”




Trong hai ngày 15 và 16 tháng 3, chúng tôi nhận được một số tin kỹ thuật và một vài bài bình luận ngắn của các đài phương Tây, tuy lẻ tẻ, vụn vặt, nhưng rất quan trọng đối với việc nhận định tình hình địch lúc bấy giờ ở Tây nguyên.

Thí dụ, một hãng thông tấn Mỹ đưa tin giá vé máy bay ngày 15 tháng 3 từ Pleiku đi Sài Gòn lên đến 40.000 đồng. Tại sao người ta lại xô nhau mua vé đi Sài Gòn trong ngày 15 tháng 3?

Trưa ngày 16 tháng 3, ta bắt được tin của không quân địch cất cánh ở Pleiku gọi nhau về hạ cánh ở Nha Trang. Tại sao máy bay địch cất cánh một nơi, hạ cánh nơi khác xa hơn mà sáng ngày 16 tháng 3 thì ta lại chưa pháo kích mạnh vào sân bay Pleiku?

15 giờ ngày 16 tháng 3, Hà Nội gọi điện báo cho chúng tôi biết là Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2 nguỵ và lãnh sự Mỹ đã chuyển về Nha Trang. 16 giờ cùng ngày, một tin từ Thuần Mẫn báo về là đài quan sát của ta ở cầu I-a Leo nhìn thấy ở ngã ba Mỹ Thanh một đoàn xe dài đang chạy về hướng Phú Bổn (…)

Khoảng 19 giờ ngày 16 tháng 3, sau khi nhận được các tin kể trên, trong Sở chỉ huy có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các đồng chí cán bộ tham mưu. Tuy chưa kết luận, chưa khẳng định nhưng ai nấy đều cảm thấy là địch ở Tây Nguyên đang làm một cái gì đấy sau hai đòn đau đớn liên tiếp (mất Buôn Ma Thuột và phản kích thất bại) (…)

Chúng tôi suy nghĩ nhiều về những mẩu tin kể trên và chú ý lắng nghe cuộc tranh luận (…) Bây giờ tình hình có thể chuyển biến rất nhanh vì địch từ chỗ chủ quan bị hoàn toàn bất ngờ lúc đầu, sau hai trận thua đau có thể hốt hoảng và đi đến những chủ trương sai lầm lớn hơn. Nếu chúng tăng thêm quân để phản kích thì sẽ bị diệt nhiều nữa mà rút chạy thì càng chết, càng xuống dốc (…)

Chúng tôi cho kiểm tra lại các đài thu tin của địch, gọi về Hà Nội hỏi thêm tình hình chung trên toàn chiến trường, cho mở đài thu thanh nghe các bản tin trong ngày của các đài trên thế giới; đôn đốc Bộ Tư lệnh Tây Nguyên nắm chắc tình hình của các trung đoàn 95, 25, các sư đoàn 320, 10 trên các đường số 19, số 14 và số 21 và phải sẵn sàng tăng cường lực lượng cho trung đoàn 25 ở đường số 21.

21 giờ ngày 16 tháng 3, đồng chí trực ban nhận được tin là địch đang rút chạy khỏi Pleiku, một đoàn xe đã qua ngã ba Mỹ Thanh theo hướng đường số 7, kho đạn ở Pleiku đang nổ và có nhiều đám cháy trong thị xã (…)

Suốt đêm 16 tháng 3, chúng tôi đôn đốc Sư đoàn 320 hành động khẩn trương (…) Đồng thời, lệnh cho Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 ở Bình Định điều động bộ đội địa phương Phú Yên lên chốt đường số 7, không cho địch chạy thoát về Tuy Hoà. Sư đoàn 968 cũng được lệnh tiến nhanh vào Pleiku, vượt qua các vị trí dọc đường để bám sát đội hình rút chạy của địch và từ phía sau đánh tới (…)

Sư đoàn 320 sau khi nhận lệnh đã hành quân cấp tốc trong đêm 16 tháng 3. Sáng 17 tháng 3, một đơn vị ra cắt đường số 7, chặn được quân địch ở phía đông Phú Bổn (…)

Ngày 18 tháng 3, lực lượng lớn của ta đuổi kịp địch, tiến vào giải phóng thị xã Phú Bổn, tiêu diệt số quân địch bị ùn ở đây và tiếp tục đánh xuống Củng Sơn. Trong lúc đó hai tiểu đoàn bộ đội địa phương Phú Yên tiến ra cắt cầu Sơn Hoà và cùng với Sư đoàn 320 tiến vào giải phóng Củng Sơn.

Quân địch hoảng loạn tan rã. Ta tiêu diệt gần trọn sáu liên đoàn biệt động quân, ba trung đoàn thiết giáp, chưa kể các cơ quan của Quân đoàn 2, phá và thu toàn bộ xe tăng, pháo, xe vận tải… (…)

Đại tá nguỵ Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng biệt động quân thuộc Quân khu 2 khai với ta về cuộc rút chạy của quân nguỵ ở Tây Nguyên như sau: “Chiều 14 tháng 3, lúc tôi đang đến các đơn vị xem lại tình hình phòng thủ Pleiku thì Bộ Tư lệnh Quân đoàn gọi đi họp tại văn phòng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn. Phú cho biết vừa đi họp tại Cam Ranh với Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên và Đặng Văn Quang. Phú thuật lại cuộc họp (…) Thiệu nói (…) phải rút khỏi Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, đưa quân về giữ đồng bằng ven biển (…) Thiệu lại nói: “Rút bằng đường số 19 được không?”. Viên trả lời: “Trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, chưa có lực lượng nào rút theo đường số 19 mà không bị tiêu diệt”. “Thế thì đường số 14 ra sao?”. Viên đáp: “Đường số 14 lại càng không thể đi được”. Mọi người dự họp thấy chỉ còn con đường số 7, từ lâu không dùng đến, tuy xấu nhưng tạo được yếu tố bất ngờ” (…)

Nguỵ quyền Sài Gòn ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên, đưa quân về đồng bằng hòng giữ lực lượng và giữ đất. Nhưng nào có đưa được lực lượng về đâu, có giữ được đất nữa đâu! Ta đã diệt chúng trên đường rút chạy.


(Trích chương 8, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)