“Rùng rợn nhất là sau khi ngớt tiếng bom, không gian yên lặng như tờ, rồi nổi lên vài ba tiếng la ó, gọi nhau í ới từ trên cho xuống dưới xóm”. Có còn ai ngoài đó không? Còn! “Đây, đây!”, “Đâu, đâu?”... Còn đang thất thanh gọi còn để chỉ “vong” hay để cùng cứu “thương”...

Liệt sĩ, thương binh, có lẽ bây giờ nghe sao trừu tượng. May nhờ có bao nhiêu đoạn ký của “mình”…

Trên một ngọn đồi vắng vẻ năm xưa, có một chiến sĩ đứng lặng trước mộ đồng đội mà mắt như trông thấy những người còn lâu lắm mới tới đây, nếu có tới được:
“Chị là ai? Vợ anh Quynh à? Hay là em gái của anh Quynh? (…) Vợ của Phê đó phải không? Mẹ của thằng Uy đó à? Anh cậu Quản đến chơi, xin đem về đồ đạc Quản gửi lại? Em gái thằng Duyến? Bố thằng Việt? Kìa, người yêu thằng Vĩnh cầm cái khăn mùi-xoa đến hỏi: Anh Vĩnh ở đâu? Chỉ cho em đến đó một tí!”.

Dĩ nhiên là chưa hết. Trong số
“Nữa, nữa, nữa…!”, sẽ có chính người chiến sĩ dũng cảm và đa cảm ấy. (Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (12)




22-9-1968

Viết nhật ký, ngày nào cũng phải nói đến máy bay và sự tàn phá của nó, mãi cũng phát chán.

Hôm nay, B-52 ra đánh liên tục (…) Bom nổ rền, đanh đặc, tai cứ ù lên và thân người nảy rồ một cách buồn cười. Khói bếp bị hơi bom ép, xộc vào cửa hầm (…)

Sẫm tối, B-52 lại ném hai đợt. Bầu trời tối đen vì khói bom (…) Đơn vị an toàn. Không biết ở C2 có can gì không? Sáng nay, ở C2 đã hy sinh mất mấy người rồi.

Rùng rợn nhất là sau khi ngớt tiếng bom, không gian yên lặng như tờ, rồi nổi lên vài ba tiếng la ó, gọi nhau í ới từ trên cho xuống dưới xóm… (…)

12-10-1968

Trung đội mình lọt vào vùng Cam Giang (…) Bốn bề lửa khói. Trên trời, máy bay trực thăng phành phạch nhào lượn (…) L-19 bay nhiều, rà sát mặt đất (…)

Vượt Bến Hải vào một đêm mưa tối trời (…) Trên mười ngày nay cắm chốt ở Thụy Bạn (…)

Trong khói lửa dữ dội, tinh thần anh em rất cao. Ai cũng phấn khởi với những chiến công của đơn vị. Chỉ còn rớt lại vài ba cá nhân (…) T. – một thằng ba hoa, lắm mồm – vào đây hóa ra nhát như một con gián (…) P. (…) nằm lì, kêu đau và xin ra Bắc (…)

Đồng chí Việt hy sinh vì pháo đêm 6 tháng 10. Lúc pháo bắn cấp tập, Việt còn đùa bỡn, chửi tếu: “Ngu! Bố đây mà sao bắn mãi không trúng?”. Vừa dứt lời, chẳng may một quả khác bay đến trúng giữa hầm (…)

C4 “xơi” một tàu trên sông Cửa Việt và một chiếc khác ngoài bờ biển thôn 10. Tiểu đoàn mình đánh rất khá. Vì không mở chiến dịch toàn miền nên không làm ăn lớn được!

Địch càn ra thấu Cẩm Phổ. Chúng đi toàn bằng tăng và được B-52, pháo dọn đường kỹ càng. Thế mà vẫn phải phơi sương lại chín xe tăng một cách nhục nhã (…) Bọn mình đi qua, lấy tay gõ gõ vào những khối thép đồ sộ ấy mà lòng cảm thấy rạo rực, tự hào.

Đêm nay ra sông để trở về Bắc (…) Một đồng chí tới xin mình lửa hút thuốc. Mình nói: “Thôi, để sang bên kia có hầm kín đáo hãy hút, đồng chí ạ!”. “Anh quê ở đâu?”. “Ngoài đó. Còn đồng chí?”. “Em ở Hà Tây anh ạ. Thế anh ở đơn vị nào?”. “270”. “Ồ! 270 đánh giỏi lắm. Bọn em vào, nghe nói sẽ cùng phối hợp đánh với 270, mừng lắm! Nhưng 270 là của con em Vĩnh Linh, anh là người ngoài đó, sao lại ở đơn vị này?”. “Ờ! Con em Vĩnh Linh mãi cũng đơn độc. Có thêm Khu 3 vào, nó mới thêm đoàn kết vui vẻ chứ!”. Mình nói thế thôi, chứ anh ta đâu có hiểu cho rằng E270 đã mòn chân ở khu đông bắc Quảng Trị này, mấy năm đánh đấm rồi, hỏi làm sao mà còn cho đủ quân số của con em Vĩnh Linh? (…)

20-10-1968

Lên viện 270 thăm anh Đoàn bị sốt. Có ở viện mới thấm thía, mới thấy được hết sự hy sinh của người lính như thế nào. Mình rất cảm động khi trông những vết thương trên người họ. Mới ngày nào, chính mình đã nằm đây, mệt mỏi, đau đớn, máu quện dính đầy vạt áo, mùi tanh khó mà quên được… Giờ, đến lượt họ. Họ là những chiến sĩ mới chống càn ở điểm cao 28, phục kích ở Cẩm Phổ, tập kích căn cứ Cồn Tiên, đánh tàu trên sông Cửa Việt… Họ đã tới viện sau mấy đêm nằm trên cáng – những người dân quân đã lặn lội đưa họ ra.

Thương binh của C2 khá nhiều – đơn vị vừa chống càn lớn ở Nhĩ Trung – Một số thằng quen cũ của mình (…) vui mừng khi được gặp lại nhau. Tăng báo tin vui và buồn một cách xúc động: “… Cháy 19 tăng, diệt hơn 100 tên… H. hy sinh rồi, K. hy sinh rồi. Thằng T. móm cũng hy sinh rồi…”. Phần Tăng bị cụt hẳn tay phải, mặt tái xanh vì máu ra quá nhiều.

Anh Đoàn ra tiễn anh em chuyển viện ra Bắc, tần ngần nhìn theo từng đồng chí, người bước khập khễnh, cà nhắc, người nằm trên cáng đẫm máu, nói: “Đó, những con người Việt Nam chân chính. Ai xứng đáng bằng họ? Tổ quốc chắc chắn rất tự hào vì có họ”. Mình lặng im, cũng cùng một cảm nghĩ như anh (…)

23-10-1968

Lên đồi 37 khi trời tạnh mưa. Mây đã loãng ra, gió mát dịu.

Hai bóng người đang lúi húi làm gì ở kia? Lại gần, hóa ra là cụ Sừng và cụ bà đang sửa cho cao lại mấy nấm mộ đã thấp thoãi xuống, đất chảy thành vệt dài vì những ngày mưa.

Không cần hỏi, mình đã hiểu rồi. Đồng chí Quynh (hy sinh hôm bắt phi công địch ngày 19-9) trước ở nhà hai cụ. Vòng hoa của đơn vị viếng tặng giờ chỉ còn lại bộ nẹp tre. Mình cúi xuống, nhặt tờ giấy có chữ đã phai màu “Kính tặng hương hồn đồng chí Bùi Đức Quynh”, rũ sạch cát, đặt lên ngôi mộ và lấy đá chèn kỹ bốn góc (…)

Thôi chị, đừng khóc nữa. Anh ấy đã hy sinh rất dũng cảm (…) Anh ấy được tắm rửa tử tế, được thay quần áo mới, được chôn cất rất chu đáo và có chỗ nghỉ tốt (…) Đừng khóc chị, còn có nhiều người khác không được may mắn như chị. Vì người thân của họ chết trong những tình huống khẩn trương, vội vã nơi chiến trường, chẳng có dấu vết gì để lại sau này cả…

Chị là ai? Vợ anh Quynh à? Hay là em gái của anh Quynh? Chị mới ở ngoài đó vào? Về đơn vị tôi nghỉ ngơi vài ngày đã (…)

Vợ của Phê đó phải không? Mẹ của thằng Uy đó à? Anh cậu Quản đến chơi, xin đem về đồ đạc Quản gửi lại? Em gái thằng Duyến? Bố thằng Việt?

Kìa, người yêu thằng Vĩnh cầm cái khăn mùi-xoa đến hỏi: Anh Vĩnh ở đâu? Chỉ cho em đến đó một tí!

Nữa, nữa, nữa…!


(In đậm, in màu là do người trích)