Trông “quầng nắng” mà thấy “như những bước chân son”, cái “bóng trẻ con” trong “nỗi nhớ” của “ta” thực là lớn quá! Trẻ con là quá khứ để nhớ. Trẻ con cũng là tương lai vì nó mà “ta” bỏ làng xóm phố phường lên núi ở đã mười năm mà vẫn sẵn sàng tiếp tục ở. Những “trẻ con” ngày ấy ơi, có bao giờ tự xem lại mình xem có xứng đáng với hy sinh của cha chú không? Rồi những trẻ con của trẻ con của trẻ con v.v., ới người Việt Nam mai sau ơi, có biết nghĩ đến bao nhiêu tổ tiên đã quên mình vì mình không? (Thu Tứ)



Phạm Tiến Duật, “Nhớ về lũ trẻ”




Mười năm ta ở rừng
(…)
Có nỗi nhớ nào không một bóng trẻ con

Đuôi mắt tưởng như mòn
Vì nhớ nắng nên trời chậm tối
Cây ngả nghiêng trong tiếng bom Mỹ dội
Quầng nắng trong rừng như những bước chân son

Sau tiếng bom, tổ trinh sát quây tròn
Mấy con chó mang theo, nằm giỡn nắng
Mấy con chó đùa nhau trong rừng vắng
Gợi nhớ rất nhiều ngõ nhỏ trẻ con chơi

Những chéo vải màu lung linh dây phơi
Hơi bếp ấm bay vào nỗi nhớ
Nước bọt trẻ con ướt trên vai trên cổ
Bàn tay nào vò trên mái tóc ta

Tiếng bom nổ bên kia rừng già
Vẫn nhớ cặp môi trẻ con tóp tép
Đời có trẻ con nên đời rất đẹp
Mọi vật quanh mình như trẻ thêm ra

Nhớ những bức tường trên đường ta qua
Có nét vẽ bằng gạch non than củi
Không ra hình thù gì, những đoạn vẽ rối
Như hình thù con đường của trẻ con nhà ai

Bỗng nhắc nhớ con đường ngày mai
Con đường ta đi suốt đời không hết
Trận đánh này và trận sau đánh tiếp
Tất cả vì con trẻ với mai sau

Đất nước công kênh trẻ con lên đầu
Trẻ con là hy vọng của cha, là an ủi dịu dàng của mẹ
Gì hạnh phúc bằng trao cho nhau đứa trẻ
Hai khuôn mặt người sát lại gần nhau

Trẻ con vừa gặp đã thân nhau
Là cái cớ sang chơi của bà con hàng xóm
Cái vòng bánh xe làm bằng vành nón
Mang hình mặt trời trên trái đất lăn lăn

Xa phố xa làng sống trong núi mười năm
Đi bảo vệ một tuyến đường huyết mạch
Ôi con đường nối hai đầu chiến dịch
Là nối hai vùng làng, con trẻ với vườn hoa

Quầng nắng trong rừng như những gót chân xa.