“Phạm Tiến Duật - “Thương em biết mấy””




Chủ tịch Hồ Chí Minh từng biểu dương: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất (…) cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.(1)

“Góp phần” có nhiều cách. Cuộc kháng chiến nào cũng phải có hậu phương, người ở lại hậu phương vẫn góp phần xứng đáng được và ở lại hậu phương mà góp là điển hình cho phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, phụ nữ có thể xông pha ra tận tiền tuyến, thậm chí trực tiếp tham gia chiến đấu. Đây là một truyền thống rất cổ. Căn cứ vào những chuôi dao găm Đông Sơn, thì “oai như gái Việt” đã tồn tại từ thời các vua Hùng dựng nước, lâu trước ngày Hai Bà Trưng khởi nghĩa.(2)

Trong thế kỷ hai mươi, những hậu duệ hàng trăm đời của các bà vua bà tướng xửa xưa đã cùng nhau hết sức mạnh mẽ chứng tỏ rằng cái truyền thống Việt độc đáo ấy vẫn chưa mất. Giữa khói lửa mịt mù thời đánh Pháp đánh Mỹ, ta thấy không hề ít các cô gái trong đủ thứ vai trò tưởng chỉ dành riêng cho phái nam: nào nữ bộ đội, nữ du kích, nữ dân quân, nữ pháo thủ, nữ lái xe hỏa tuyến, nữ giao liên, nào nữ thanh niên xung phong, nữ dân công, nữ bác sĩ tiền tuyến… Dường như chỉ có máy bay và xe tăng là “phụ nữ ta” không động đến.

Cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại đã khiến ra đời không biết bao nhiêu thơ văn giá trị. Có lẽ chuyện gì cũng đã có ai đó viết ra những dòng thật cảm động. Chuyện những người “yếu” làm việc của những người “khỏe” dĩ nhiên là đáng viết và đã được viết đích đáng. Chính họ tự kể thì nổi bật nhất là Lê Thị Mây với Lửa mùa hong áo. Còn trong số những cây bút phái nam kể về họ thì trước tiên phải nhắc Phạm Tiến Duật.

*

“Anh” gặp “em” ngay lúc bình thường cũng dễ thấy “thương”, huống chi trong những năm tháng vô cùng bất thường ấy. Trong số những bài thơ hay nhất của Phạm Tiến Duật, một tỉ lệ đặc biệt cao cùng diễn chung một tứ: “Thương em biết mấy”. Cần nói ngay “thương” đây không phải tình cảm trai gái riêng tư, mà “em” ngay cả khi cụ thể như cô “Thạch Nhọn”(3) thì cũng không hề riêng chút gì mà tượng trưng cho tất cả các cô gái đang làm nhiệm vụ như cô. Cứ hễ gặp phụ nữ công tác ở tiền phương, là Phạm Tiến Duật tự nhiên thấy trong lòng cảm xúc dào dạt dâng lên không sao ngăn nổi. Thời chiến tranh, thi sĩ đã thương cô bộ đội, cô thanh niên xung phong, cô văn công…, rồi lâu sau chiến tranh, khi nghe biết chuyện Đặng Thùy Trâm, lại thương thêm cô bác sĩ tiền tuyến.

Con người mang tấm lòng nhân ái nồng nàn, rộng rãi này lại không có cái nết thương đấy xong rồi quên ngay đấy. Sau Hiệp định Pa-ri đầu năm 1973, do Mỹ thôi ném bom, một số đơn vị thanh niên xung phong chuyển công tác từ làm đường, sửa đường, qua khai hoang, trồng rừng. Phạm Tiến Duật không biết tình cờ hay cố ý có lần vào một nông trường, đứng “nhìn (bao nhiêu) áo phơi thương thương như thuở trước” mà ngẩn ngơ, để đến khi gặp “người của áo” thì “tôi nhìn em lòng xốn xang biết mấy”… “Tôi” thương bền bỉ vô cùng, thương mãi không thôi, chiến tranh qua lâu rồi mà lòng cứ vẫn còn đau đáu hướng về những đối tượng đã gặp một thời khói lửa. Năm 2000, “o Nhị” (tức cô Thạch Nhọn) có dịp nói chuyện qua điện thoại khá lâu với “anh bộ đội” gặp năm xưa, sau khi anh mất kể lại: “Anh Duật tình cảm lắm, cứ hỏi mãi về hoàn cảnh của o và những bạn bè TNXP. Anh còn kể mới viết xong trường ca về tiếng chuông chùa, về những nữ TNXP Thái Bình trở về sau chiến tranh vào nhà chùa đi tu. Anh có đọc cho nghe một đoạn, không cầm được nước mắt chú ạ”.(4) Cái trường ca ấy ra đời sau một chuyến tìm thăm: “Nghe nói tại các chùa chiền ở tỉnh Thái Bình có (…) hàng trăm nữ sĩ quan, chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong (…) thời chống Mỹ cắt tóc đi tu, tôi (…) liền về (…) để tận mắt được gặp lại những đồng đội cũ, nay (…) áo nâu sồng”.(5) Hoàn cảnh tái ngộ đầy xúc động, tiếng chuông ở những ngôi chùa ấy làm sao khỏi ngân nga không dứt trong một tấm lòng trung hậu thủy chung…

Kể, biết thương bao nhiêu những con người những số phận vô cùng xứng đáng, chắc chắn không hề ít người. Nhưng thương và lại có tài khiến thương hiện ra thành thơ hay thì rất ít. Phạm Tiến Duật để lại được những thi phẩm mà ta bây giờ đọc lên dễ dàng thấy mình cũng “thương biết mấy” và quý không biết ngần nào và tự hào không biết bao nhiêu về vô số “phụ nữ ta”.

*

Phạm Tiến Duật sáng tác không nhiều, trước sau chỉ khoảng hơn 30 bài thơ, hầu hết là về thời chiến tranh đánh Mỹ. Tất cả, bất kể thời kỳ, đều biểu lộ một thái độ sống rất tích cực, đầy tin yêu.

Sau đây là một số tác phẩm tiêu biểu của ông. Riêng trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa chúng tôi xin sẽ trích bàn vào dịp khác.

*

“Gửi em, cô bộ đội lái xe”

“Không thể tin là em đã qua / Nơi túi bom bay mù bụi đỏ / Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ / Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang. / Không thể tin là em đã sang / Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo / Anh đón em qua tầm đạn réo / Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve / Em là cô bộ đội lái xe / Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy / Cái buồng lái là buồng con gái / Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang / Em đã qua và em đã sang / Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ / Đất nước mình nhiều điều giản dị / Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi” (Trường Sơn, 1968). “Qua” là qua khỏi “túi bom”, còn “sang” là sang đến đất Lào. Hãy nghe chính một “em” kể lại những ngày “đẹp lắm đấy”: “Chúng tôi không sợ bom đạn, nguy hiểm, mà chỉ sợ trôi xe, mất hàng, không đưa được thương, bệnh binh đến nơi an toàn (…) Tuyến đường 12 có đoạn Cổng Trời vượt sang Lào luôn là thử thách đáng sợ nhất, với những cua dựng đứng (…) một bên là núi cao, một bên là vực sâu, trong khi xe (…) đi bằng đèn rùa lắp dưới gầm (…) Có những chuyến hàng, trước khi xe lên đường, đơn vị tổ chức truy điệu sống”. Rực rỡ mãi mãi là hình ảnh “Phạm Thị Phàn dẫn đầu đoàn xe hơn chục chiếc của các lái xe nam thẳng tiến về Cổng Trời trong ánh sáng hỏa pháo và tiếng động cơ máy bay địch gầm rú trên đầu, giữa những ánh chớp dài lóe sáng, những tiếng nổ kinh hoàng của bom, rốc-két, dưới những làn đạn xối xả…”.(6) “Đất nước mình” một thời, chuyện thật mà y như huyền thoại.

“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn / Hai đứa ở hai đầu xa thẳm / Ðường ra trận mùa này đẹp lắm / Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây / (…) / Trường Sơn Tây anh đi, thương em / Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo / Muỗi bay rừng già cho dài tay áo / (…) / Em thương anh bên Tây mùa đông / Nước khe cạn bướm bay lèn đá / (…) / Anh lên xe, trời đổ cơn mưa / Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ / Em xuống núi nắng về rực rỡ / Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư / (…) / Ðông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo / Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh / (…) / Những đoàn quân, trùng trùng ra trận / Như tình yêu nối lời vô tận / Ðông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn” (1967). Bài thơ này ta đã được nghe hát nhiều lần đến nỗi bây giờ đọc lại thơ phải cố gắng mới giữ nổi miệng đừng hát mà đọc bình thường! Trên Trường Sơn một thời, bên cạnh những dòng sông xanh “anh” to lớn cuồn cuộn dũng mãnh, đã cùng chảy những dòng xanh “em” tuy bé nhỏ dịu dàng hơn nhưng bền bỉ kiên quyết không hề kém. Tháng 5 năm 1971, chiến sĩ Hoàng Thượng Lân trên đường hành quân gặp một đơn vị nữ TNXP đang chốt một trọng điểm ác liệt: “(Trông) vẻ dịu dàng ánh chút tinh nghịch của tuổi trẻ, xen nét dạn dày bom đạn, sương gió Trường Sơn (…) nụ cười hồn nhiên (…) đôi mắt (…) hiền hậu, nhìn sâu đọng (…) tự nhiên chúng tôi thấy lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục”.(7) Chắc chắn “các đồng chí ấy” cũng thấy lòng lâng lâng về các anh bộ đội, đôi bên gặp nhau ngắn ngủi thôi nhưng xa nhau rồi càng nghĩ nhiều đến nhau hơn… Chợt nhớ những dòng: “Anh ở đầu sông em cuối sông / Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông / Thương nhau đã chín ba mùa lúa / Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!” (Hoài Vũ, “Gửi miền hạ”) và “Ở hai đầu nỗi nhớ / Yêu và thương sâu hơn / Ở hai đầu nỗi nhớ / Nghĩa tình đằm thắm hơn” (Trần Hoài Thu, “Ở hai đầu nỗi nhớ”). Đây là tình riêng, còn trong thơ Phạm Tiến Duật và nhật ký Hoàng Thượng Lân là tình chung, ấy vậy mà vẫn có chỗ chia sẻ với nhau: “xa mặt” có khi làm “cách lòng”, có khi lại nối lòng chặt hơn!

“Nghe hò đêm bốc vác”

“Đang thiu thiu ngủ trong nắng gió Lào / Bỗng một giọt nước rơi vào cổ anh / (…) giật mình thức dậy / Hóa ra là giọng hò em đấy! / (…) / Bến bãi vận tải tắm trong câu hò / Đạn (…) / Đạn (…) / Súng (…) / (…) chuyển ngay / (…) / Tiếng hòm chạm nhau thay cho nhạc dạo / Mỗi câu hò thêm một chuyến xe qua / (…) / Những chiếc xe từ đất lửa về đây / Hai phút trên đầu một lượt máy bay / Lá ngụy trang như còn bốc khói / (…) / Khi chạm vào vai thấy nóng bừng như lửa / Là khi tôi đặt lên đó hòm đạn bốn mươi cân / Hình cánh hoa lan trên vai áo trắng ngần / Là vết xước đinh hòm vừa mới xẻ / Ôi vai em, có phải vai bà Nữ Oa không nhỉ / Dẫu chẳng vá trời cũng đắp được Trường Sơn / Giọng hò em anh bỗng thấy hay hơn / Khi nghe tiếng dập dồn nhịp thở / (…) / Đêm nay trên xe anh đi không ngủ / Nghe câu hò đất nước sinh sôi” (1968). Hò mà như tiếng “đập vào cửa kính” làm “bật dậy như lò-so” những “lái” đang li bì sau khi đưa “xe từ đất lửa về đây”! Những chiếc xe “hai phút trên đầu một lượt máy bay”, về đến bãi đã mấy tiếng đồng hồ mà “lá ngụy trang như còn bốc khói”, bây giờ trong tiếng hò mới bắt đầu nguội! Hò mà như mưa, làm cả “bãi đất (…) đen sạm khói bom, nham nhở vết thương” bỗng “lành lặn như thường”! Ai hò mà kỳ diệu vậy? Thì những “em gái” đang vác những hòm đạn nặng như cối đá, có “em” “trên vai áo trắng ngần” một chiếc đinh hòm vừa móc vào làm nở một “cánh hoa lan”! Những vai “Nữ Oa” ơi, bao nhiêu thương quý cho vừa!

“Gửi em, cô thanh niên xung phong”

“Có lẽ nào anh lại mê em / Một cô gái không nhìn rõ mặt / Đại đội thanh niên đi lấp hố bom / Áo em hình như trắng nhất / Người tinh nghịch là anh dễ thân / Bởi vì thế có em đứng gần / (…) / (…) / Em đóng cọc rào quanh hố bom / Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn / Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để / (…) / Em ơi em, hãy nghe anh hỏi / Xong đoạn đường này các em làm đâu? / (…) / Những con đường như tình yêu mới mẻ / Ðất rất hồng và người rất trẻ / (…) / Những đội làm đường hành quân trong đêm / Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng / Rực rỡ mặt đất bình minh / Hấp hối chân trời pháo sáng / Ðường trong tim anh in những dấu chân / (…) / Bụi mù trời, mùa hanh / Nước trắng khe, mùa lũ / (…) / Em vẫn đi, đường vẫn liền đường / (…) / Thương em, thương em, thương em biết mấy / (…) / Ơi em gái chưa một lần rõ mặt / (…) / Tên em đã thành tên chung anh gọi / Em là cô thanh niên xung phong” (Đức Thạch 1968). “Đường mới ta xây (…) dài hơn (…) đường sá đời xưa để lại”. Những số liệu về đường ấy bây giờ in đầy sách nghiên cứu lịch sử, chỉ cần đọc là biết. Nhưng biết đó chỉ là về “mặt” đường, cần phải đọc lại thơ văn của những người xây người đi thì mới biết con đường ở dưới bề sâu… Tác phẩm của “anh” rất có giá trị giúp hậu thế đi xa hơn kiến thức khô khan, đi tới được cảm nhận sâu sắc về sự việc phi thường đã xẩy ra, để từ đó biết trân trọng đúng mức lòng yêu nước tha thiết lạ lùng của những thế hệ người Việt Nam trước mình.

“Cô bộ đội đã đi rồi”

“Cô bộ đội ấy đã đi rồi / Chuyển đơn vị (…) / Em gái đi, các anh ở lại / Biết đến bao giờ mới được gặp nhau / (…) / Anh biết rồi bao nhiêu vất vả / Tháng năm dài cùng nhau đi qua / Đã sáu bảy năm em gái xa nhà / Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói / Cả một thời thanh xuân sôi nổi / Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa / (…) / Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm / Căn nhà dột tóc em ướt hết / (…) / Trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ / Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển / (…) / Đến chào anh sáng mai em đi / Như ngày nào chào bà con hàng xóm / Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn / Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay / (…) / Cô bộ đội ấy đã đi rồi”. Đây chắc là một nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác. Lâu rồi, cô đã từ giã một làng quê nào đó để lên đường, tới một chỗ giữa núi rừng xa xôi, cầm súng sẵn sàng bắn vào những kẻ thù đang rình rập. Bình thường ra, thân gái thế này thì dễ nản và dễ sốt ruột lắm. Nhưng những năm tháng ấy có bình thường chút nào đâu và cái dân tộc này có “bình thường” đâu. Điều xảy ra hiếm thấy trên đất nước khác thì ở ta thường thấy đến nỗi thành quen.

“Nghe em hát trong rừng”

“Nghe em hát mà anh buồn cười / Nhịp với phách xem chừng sai cả / Mồ hôi em ướt đầm trên má / Anh với mọi người nhìn nhau khen hay / Khu rừng già âm ỉ tàu bay / Các chiến sĩ nhìn em đăm đắm / Mũ sắt lấm, áo ngoài cũng lấm / Mỗi khi cười bóng dáng cứ lung linh / (…) / Giữa một vùng đất bụi khô rang / Em bỗng đến như dòng sông đầy nước / Trong nhà hầm hun đầy khói thuốc / Câu hát chành như võng đưa / Các chiến sĩ nghe em hát say sưa / Ngày mai ngày kia sẽ chuyện trò vô khối / (…) / Mai chiến sĩ lại ra cao điểm / Cuộc chiến đấu đang còn tiếp diễn / Em còn đi, rừng mở những gian hầm / (…) / Ở đâu mà không cần tiếng hát / (…) / Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa”. Đây chuyện “hát trong rừng” do chính một “em” kể lại: “Ngày ấy tôi được điều động về đoàn văn công Tiếng Hát Át Tiếng Bom (…) Chúng tôi luyện tập mọi nơi mọi lúc, hành quân cũng vừa hò vừa hát (…) Dù hành quân vất vả nhưng nhiều ngày đoàn biểu diễn đến hai, ba lần (…) Mỗi khi chuẩn bị biểu diễn, son phấn không đủ, chúng tôi lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng giấy đỏ tô má hồng (…) Có lúc đang biểu diễn bị địch đánh phá, cành cây gãy đổ khiến diễn viên bị thương, đàn bị vỡ”.(8) Rút cuộc, nghĩa lý của văn công là gì nhỉ? Thấy đại khái, đời sống ở chiến trường là “khô” lắm. Đã thiếu rau tươi cho cơ thể, lại thiếu cái gì đó tươi cho tinh thần. Các “em” đến, tưới tươi vào lòng các “anh”. Một chút thôi, mà mát lâu phết!

“Áo của hôm nào, người của hôm nay”

Phần I - Thấy áo: “Áo thanh niên xung phong phơi ở nông trường / Cái túi chéo làm sao mà lẫn được / Nhìn cái áo phơi thương thương như thuở trước / (…) / Áo có quen anh không, áo có nhớ anh không? / (…) / Cái hôm con đường chiến dịch mới làm xong / Bộ đội với thanh niên nhìn nhau cười mặt lấm / (…) / Có tiếng ào ào như mưa vừa đến đợt / Tiếng phụ nữ cười và tiếng những bàn chân”. Phần II - Gặp người: “Người của áo về rồi, các cô gái công nhân / Vẫn là những người làm đường độ ấy / (…) / Xưa vội mở đường, nay khai hoang cũng vội / Lấp hố bom rồi, nghe đất gọi lên đây / (…) / Em đứng hát những bài hát cũ / (Bài ca mới về khai hoang chưa có / Em hát lại thôi, khúc hát làm đường) / (…) / Tôi nhìn em lòng xốn xang biết mấy / (…) / Cô gái nông trường - cô thanh niên xung phong” (1974). Vừa hết lấp loại hố này liền bắt đầu đào loại hố khác, chẳng có nơi nào trên thế giới phụ nữ tham gia việc nước tích cực bằng ở ta! “Anh” đi đâu ra đây, để “nhìn cái áo phơi” mà không chịu có thể “lẫn”, mà hỏi quen hỏi nhớ bằng giọng thân mật thế nhỉ? Dù sao, chủ áo về kia, quả nhiên chính người độ ấy. “Tôi nhìn em…”. Trong số các “em” nhìn lại “tôi”, có “em” đã nhận ra ngay cái anh bộ đội mà “lòng xốn xang biết mấy” chắc đang hiện ra lồ lộ trên nét mặt, trong ánh mắt!

“Nơi tắt lửa”

“Anh cùng em sang bên kia cầu / Nơi có những miền quê yên ả / Nơi tắt lửa đêm đêm (…) / Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi / Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói / Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay... / Bóng tối phủ dày / Che mắt địch / Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích / Kéo pháo lên trận địa đồng cao / (…) / Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ô-tô / Những đoàn xe đi như không bao giờ hết / (…) / Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát / Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường / Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét / Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương / (…) / Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch / Là tiếng những đoàn quân xung kích đi qua / (…) / Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la / Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch / Bóng đêm ở Việt Nam / Là khoảng tối giữa hai màn kịch / Chứa bao điều thay đổi lớn lao / Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu / Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ” (trích “Lửa đèn”, 1967). Đoàn Văn Cừ có câu thơ tả cảnh quê: “Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ”. Ấy là quê tiền chiến, chứ trong ba mươi năm kháng chiến thế kỷ 20, nhất là trong thời đánh Mỹ, thì quê ban đêm tuy “không nhìn thấy gì đâu” nhưng ai có “đi” sẽ được “nghe lắm âm thanh mới lạ”, chẳng dính líu gì tới nghề trồng lúa… Đêm bây giờ như dạ con, chứa những “bào thai chiến dịch”, bào thai trận địa, bào thai đường, bào thai cầu… Tất cả rồi sẽ chào đời, trưởng thành, cùng nhau hay kế tiếp nhau rút cuộc làm xẩy ra “thay đổi lớn lao”, đưa quê trở lại câu thơ Đoàn Văn Cừ!

“Thắp đèn”

“Anh cùng em sang bên kia cầu / Nơi có những miền quê yên ả / Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá / Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên / Chiếc đèn chui vào ống nứa / Cho em thơ đi học ban đêm / Chiếc đèn chui vào lòng trái núi / Cho xưởng máy thay ca (…) / (…) / Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi / Gọi quân thù đem bom đến dội / Cho đá lở đá lăn / Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu / Ta bật đèn pha ô-tô trong chớp loè ánh đạn / Rồi tắt đèn quay xe / Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi... / Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng / Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng / Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm / (…)” (trích “Lửa đèn”, 1967). Đáng tắt thì tắt, đáng thắp đáng bật thì ta thắp bật lên. Ánh sáng của ta có khi ẩn trong ống nứa, trong lòng núi, trong chiếu chăn… Có khi lồ lộ trên đỉnh núi. Bất cứ sáng ở đâu, tất cả những ngọn lửa những ánh đèn đều có góp phần đưa ta đến “ngày mai hoàn toàn chiến thắng”… Ngày ấy, “Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp / Mang hình những người những cảnh hôm nay / Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối / Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay”. Chợt nghĩ cây đèn đẹp tuyệt vời ấy thực ra đã được bắt đầu làm từ trong chiến tranh, bằng những bài thơ bài văn bức tranh đầy ắp cảm xúc. Muốn ngắm nó, muốn thấy “những người những cảnh hôm nay”, người Việt Nam bây giờ chỉ cần giở thơ giở văn giở tranh ra đọc hay xem.

“Đi trong rừng”

“Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao / Gió bốn bề cây, cây ngả nghiêng chào / Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng / Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng / Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay / Cây bồng bênh cười vui suốt ngày / Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa / Cây nhựa trắng là cây si, cây sữa / Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò / Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò / Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh / Cây lim uy nghi, sa nhân ma mỏng mảnh / Dạ hương của đêm, mắc cỡ của ngày / Da bàn tay thường chạm với da cây / Khuôn mặt người chạm vào mặt lá / Rừng ơi rừng, ta bỗng gần gũi quá! / Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau?”. Người miền xuôi xa “quê Mẹ” lâu lắm lắm rồi.(9) Trước cuộc kháng chiến ba mươi năm, thỉnh thoảng mới có người lên rừng, để khi về kể những chuyện ma thiêng nước độc. Bỗng nhiên, giặc Pháp rồi giặc Mỹ khiến xuôi ào ào trẩy ngược, ở trên ấy lâu, đi ngang đi dọc, thạo từng ngóc ngách! Lên rừng ta gặp bao nhiêu thứ cây lạ. Và gặp những người anh em mà tuy cùng nước nhưng với ta cũng lạ như cây rừng! “Người ơi người, ta bỗng gần gũi quá! Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau?”!

“Chúng ta đi đường dài”

“Khi lên xe chúng ta chưa quen nhau / Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn / Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn / Chúng ta đi đường dài / Mấy trăm xe và mấy trăm người / Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc / Những trái tim xếp theo hàng dọc / Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu / Không đếm được suối, không đếm được đèo / Trăm cây số cũng chỉ là chặng ngắn / Nơi ta ngủ cánh rừng chưa định sẵn / Nơi ta ăn, trăm tảng đá vô tình / Trên đầu ta thay những mảnh trời xanh / Bằng những mảnh trời xanh thăm thẳm khác / (…) / Tôi ngồi xe trước, anh ngồi xe sau / Xe chạy đường vòng nhìn nhau qua cánh cửa / Lúc xe dừng, phong bánh khô bẻ nửa / Nước uống hết rồi, thương biết mấy là thương / (…)”. Đây con “đường dài” “chúng ta đi” qua lời lái xe Nguyễn Công Tường – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân: “Trường Sơn (…) những cung đường bom, chất độc rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa (…) đường đất nhầy nhụa, mùa khô thì nắng cháy, gió Lào thổi đến héo cả người, chưa kể vắt, muỗi (…) Xe thường chạy ban đêm, nhưng đèn xe bé tí và lắp dưới gầm (…) Đường dốc, hẹp, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, nhiều đoạn sạt lở (…)”.(10) Ở phía ta, từ khiêng vác gánh gùi đến đẩy xe đạp thồ đến lái xe Zin dĩ nhiên là một quá trình nâng cấp phương tiện rất đáng kể. Rắc rối là phía địch cũng không ngừng nâng cấp phương tiện rất đáng kể: cả máy bay lẫn những thứ được ném hay phóng hay bắn xuống cứ ngày thêm tối tân. So với dân công sử dụng phương tiện thô sơ, lái xe vừa “sướng” hơn vừa gặp nhiều nguy hiểm hơn. Nhưng “Anh em (…) không ai màng gì đến bản thân cả. Dù mưa bom bão đạn (…) vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Mặt trận ơi, “cơn lốc” đang thổi vào đây!(11)

“Nhớ”

“Cái vết thương xoàng mà đi viện / Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo / Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến / Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (1969). Ở đầu bài thơ ngắn này có dòng chữ: “Lời một chiến sĩ lái xe”. Lại nhớ anh hùng Nguyễn Công Tường: “Vào cuối tháng 11-1971 (…) bị đau khớp và sốt rét nặng, đang điều trị ở viện thì nghe tin đơn vị đang tham gia chiến đấu. Dù sức khỏe chưa hồi phục (…) vẫn xin ra viện (…) Về tới đơn vị, thấy có một xe cũ hỏng nhiều bộ phận (…) sửa chữa và tìm phụ tùng thay thế (…) kịp thời đưa pháo vào chiến trường”.(12) Cái “tiếng xe reo” nó có sức mạnh làm “xoàng” thương, bệnh!

“Vòng trắng”

“Khói bom lên trời thành cái vòng đen / Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng / Tôi với bạn đi trong yên lặng / Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh / Có mất mát nào lớn bằng cái chết / Khăn tang vòng tròn như một số không / Nhưng bạn ơi, ở bên trong màu trắng / Là cái đầu bốc lửa ở bên trong” (1974). Dưới những vòng trắng không phải là Hà Nội bù lu bù loa, mà là Hà Nội càng kiên quyết đánh cho thắng Mỹ. Lịch sử là sau mười hai ngày đêm ấy, y như Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán gần năm năm trước, cái bên phải chịu thua chính là bên đã tiến hành thứ chiến tranh man rợ.

“Nhớ về lũ trẻ”

“Mười năm ta ở rừng / (…) / Có nỗi nhớ nào không một bóng trẻ con / (…) / Quầng nắng trong rừng như những bước chân son / (…) / Hơi bếp ấm bay vào nỗi nhớ / Nước bọt trẻ con ướt trên vai trên cổ / Bàn tay nào vò trên mái tóc ta / Tiếng bom nổ bên kia rừng già / Vẫn nhớ cặp môi trẻ con tóp tép / Đời có trẻ con nên đời rất đẹp / (…) / Con đường ta đi (…) / Trận đánh này và trận sau đánh tiếp / Tất cả vì con trẻ với mai sau / (…) / Xa phố xa làng sống trong núi mười năm / (…) / Quầng nắng trong rừng như những gót chân xa”. Trông “quầng nắng” mà thấy “như những bước chân son”, cái “bóng trẻ con” trong “nỗi nhớ” của “ta” thực là lớn quá! Trẻ con là quá khứ để nhớ. Trẻ con cũng là tương lai vì nó mà “ta” bỏ làng xóm phố phường lên núi ở đã mười năm mà vẫn sẵn sàng tiếp tục ở. Những “trẻ con” ngày ấy ơi, có bao giờ tự xem lại mình xem có xứng đáng với hy sinh của cha chú không? Rồi những trẻ con của trẻ con của trẻ con v.v., ới người Việt Nam mai sau ơi, có biết nghĩ đến bao nhiêu tổ tiên đã quên mình vì mình không?



Thu Tứ
Viết tháng 5-2020
Sửa mới nhất 6-2023

















___________
(1)
Hồ Chí Minh toàn tập, nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tập 12.
(2) “Oai như gái Việt” là tên một bài viết của TT.
(3) Trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong”.
(4) “Cô gái Thạch Kim Thạch Nhọn ngày ấy bây giờ”, trang
giaoducthoidai.vn.
(5) Phạm Tiến Duật, “Với tác giả
Núi Đôi về lại Thái Bình”, trong tập Tiếng bom và tiếng chuông chùa – Đường dài và những đốm lửa – Vừa làm vừa nghĩ, nxb. Văn Học, 2007.
(6) “Đại đội xe độc nhất vô nhị trên đường Trường Sơn”, trang
qdvn.vn ngày 16/12/2014.
(7)
Tài hoa ra trận (nhật ký của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân), nxb. Hội Nhà Văn, 2005.
(8) Lời Nguyễn Thị Bích Liên, in treo trên tường trong triển lãm “Phụ nữ ở Trường Sơn” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, tháng 7/2019.
(9) Tục truyền Mẹ Âu Cơ là dòng dõi thần tiên, ở trên núi.
(10), (11), (12) “Gặp lại anh hùng lái xe đường Trường Sơn huyền thoại”, trang
qdnd.vn ngày 18/5/2019.