Đây một cảnh chiến đấu:

“Nó (máy bay) bổ thẳng ngay chính giữa đầu (…) Mình ngắm bắn rất bình tĩnh. Lúc đó, chẳng nghĩ gì đến chết và sống cả, đến đâu thì đến”.

Đây một hậu quả tức thì của chiến tranh:

“Một bà mẹ đã già kêu thét, vùng vẫy, tay điên dại cào cấu. Ba bốn người giữ chặt bà lại, người ta đang đưa xác con gái bà và thằng cháu trai mới hai tuổi đi chôn”.

Đây một hậu quả chậm hơn một chút của chiến tranh:

“Cháu Thụ (…) cha cháu mất tích đã bốn năm trong một chuyến đưa hàng ra đảo (Cồn Cỏ) (…) mẹ cháu mất cách nay một năm (…) Đi móc khoai, bị rốc-két bắn chết (…) Mình muốn ứa nước mắt (…) Tuổi của cháu, đáng ra còn làm nũng mẹ, còn khóc nhè, vòi vĩnh, chứ đâu phải lang thang, côi cút thế này!”.

Mặc kệ chiến tranh cùng hậu quả, ở nơi ấy, ngày ngày và đêm đêm:

“Biển cả, những con sóng, cánh hải âu (…) Những dải mây màu tím cứ chiều chiều lại hiện lên, trầm tư ở phía chân trời (…) Trăng lên cao, sáng rõ. Màu sáng lơ của trăng dìu dịu, quyến rũ. Những đám mây vân nhỏ tha thẩn, vờn những ngôi sao xa. Từng ngọn sóng biển chuyển đều, đập tràn vào bờ, biến thành một dải trắng kéo dài vô tận…”.

Dũng cảm, giàu lòng trắc ẩn, cảm nhận thực tại tinh tế, “mình” quả thực là hay.
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (11)




19-8-1968

B-52 đánh suốt cả buổi chiều bên Vĩnh Long. Trời u ám, khí lạnh nhiều, khói bom không bốc được cao, quện lại và che kín tất cả (…) khét và khó thở.

C24 điện sang (…) Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một bà mẹ đã già kêu thét, vùng vẫy, tay điên dại cào cấu. Ba bốn người giữ chặt bà lại, người ta đang đưa xác con gái bà và thằng cháu trai mới hai tuổi đi chôn…

B-52 quăng bom vào đúng giữa xóm, nhà cửa không cái nào còn nguyên vẹn (…) Hố bom dày đặc. Hai con trâu chết trong tư thế dữ tợn, mắt mở trừng trừng, chân co lại như đang lồng chạy (…)

26-8-1968

Đi Vĩnh Trung công tác.

Trời nắng oi, lặng gió.

Vào nhà o T. xin cơm ăn. T. xinh và láu lắm, mắt đen, lông mi dài và cong như búp-bê. Khi thổi cơm, khói nhiều, T. chạy ra khỏi bếp, nũng nịu:

- Em chả thổi nữa, khói lắm. Muốn ăn thì đi mà nấu!

Mình nói:

- Mới khó khăn một tí thế đã “bất lực” rồi à?

T. cười chống chế:

- Ơ cái anh này, người ta chưa “nỗ lực” mà đã vội kết luận là “bất lực” rồi.

Chiều về, lạc đường, tối mịt mới về tới nhà (…)

27-8-1968

Đi Vĩnh Nam. Nắng, khát nước và đói. Ghé vào một nhà bên đường. Hai ông bà già và một em bé bị tàn tật đang ngồi ở sân niềm nở tiếp mình (…)

Chiều, lên tiểu đoàn nộp các bản tồn kho, phụ cấp, quân trang… Tới nơi, chưa kịp thở đã nghe đánh “pụp” (…) Mình vớ vội khẩu súng treo trên tường, chạy nhào ra. Một loạt bom nổ gần làm mình choáng váng. Đất văng tung tóe (…) Nó bổ thẳng ngay chính giữa đầu (…) Mình ngắm bắn rất bình tĩnh. Lúc đó, chẳng nghĩ gì đến chết và sống cả, đến đâu thì đến.

Nhà anh Ban trước mặt bốc cháy đùng đùng, khói đen đặc. Bốn chiếc máy bay rà thật thấp, quẳng từng chùm bom xuống. Một chiếc chúi đầu, phóng hàng mấy quả tên lửa một lúc (…) Nhà nối nhau bốc cháy, tre nứa nổ lép bép.

Trận oanh tạc kết thúc bằng một loạt bom bi. Mình chui ngay vào hầm khi trông thấy hai vỏ bom đen xì đang tách ra trên không. “Roạt!”… một quả bi con nổ ngay chỗ mình vừa đứng bắn. Bom bi nằm rải rác khắp nơi: dưới hào, trong vườn, trên sân…, chốc lại nổ.

Ngớt tiếng nổ, mình chui ra. Những hố bom bi nông choèn rải đều trên mặt đất như những nốt ghẻ. Mình cùng mọi người dập nốt những đám cháy còn lại (…)

4-9-1968

Văn công Quân khu 4 về đơn vị biểu diễn. Các tiết mục đơn giản, gọn gàng. Anh em đi xem rất lịch sự, và tỏ vẻ hiểu biết văn nghệ, một bài hát hay, anh em vỗ tay kéo dài và yêu cầu hát lại…

Lâu lắm rồi, giờ mới được xem văn công, được thấy và nghe những khuôn mặt, bộ quần áo, các nhạc cụ, giọng hò, giọng hát…

Gặp Thanh – nhạc công – anh là người Hà Nội ở phố Tô Hiến Thành, vui tính lắm. Lại nói chuyện với Dung – diễn viên – Dung ở phố Trần Hưng Đạo… Lâu lắm rồi, giờ mới được gặp và nghe giọng nói của một người con gái Hà Nội chính cống. Dung tốt nghiệp trường múa. Cô kể: “Bộ phận này của đoàn, không biết đã chết hụt bao nhiêu lần rồi!” (…)

10-9-1968

Đơn vị lên đường đi diễn tập ở mạn biển.

Khởi hành vào một đêm mưa tầm tã, không ngớt hạt (…)

Qua C22 ở Tân Hòa. Nơi đây là chỗ ở của anh em trong đội thuyền mang hàng ra đảo Cồn Cỏ. Một cảm xúc đột ngột trào lên, mình nhớ bài thơ “Vượt gió Đông Ngang” của Hùng tặng cho C22 này:

“Ta đi trên đường xưa chưa ai đi
Sóng gió đạn bom nào ngăn ta được!
Tiếng hát theo làn gió biển
Bay về thăm đảo xa xa…”.


Ở C22 này có biết bao chiến công đáng nhớ (…) những “con thuyền nhỏ lướt trên sóng lớn” (...)

11-9-1968

Nắng ráo. Trời trở lại trong xanh. Máy bay hoạt động mạnh. Đêm qua đơn vị đào hầm, chặt cành dương làm nắp (…)

Ra biển chơi. Đảo Cồn Cỏ với hình dáng rõ nét nằm hiên ngang ngoài khơi. Vài chiếc hai thân “OV-10” lượn xa xa, nhòm ngó, tìm kiếm (…)

Biển cả, những con sóng, cánh hải âu (…) Có tiếng gọi nào vang động hồn ta bằng tiếng gọi của biển? (…) Những dải mây màu tím cứ chiều chiều lại hiện lên, trầm tư ở phía chân trời (…)

Đồng chí V. dân quân xã, nói với mình như để thanh minh:

- Đừng tưởng ở vùng này là không ác liệt nhé (…) Bom đạn chúng vứt xuống đây nhiều vô kể (…) Những cây dương kia là chúng tôi mới trồng lại (…) Gió biển và cát đã vô tình xóa mất dấu vết tội ác của chúng! (…)

Xuống trung đội 2, anh em đang tập đánh (…) Đại đa số là lính mới bổ sung, chưa lần nào được nghe và thấy máy bay hú hét, bổ nhào chính diện, được “hưởng” những viên đạn rít xé bên tai, ngửi mùi khét lẹt của khói bom khói đạn (…) cho nên tập tành có phần sơ sài. Chạy cao lênh khênh và lờ đờ, chậm chạp (…)

Cháu Thụ (…) cha cháu mất tích đã bốn năm trong một chuyến đưa hàng ra đảo (…) mẹ cháu mất cách nay một năm trong khi đào khoai ở ngoài đồng (…) Thụ suốt ngày lang thang, thơ thẩn khắp mọi nhà. Cô bác ai cũng vấp phải khó khăn nên chưa có biện pháp với Thụ (…) Mình gọi Thụ lại vỗ về, hỏi:

- Thụ ơi! Cháu còn nhớ mạ nữa không?

- Không!

- Cháu quên rồi à?

- Dạ…

- Thế mạ cháu đi đâu?

- Đi móc khoai, bị rốc-két bắn chết.

Mình muốn ứa nước mắt, thật đau lòng. Tuổi của cháu, đáng ra còn làm nũng mẹ, còn khóc nhè, vòi vĩnh, chứ đâu phải lang thang, côi cút thế này!

Đêm ngủ. Gió tràn vào mát rượi. Thỉnh thoảng mình thức giấc, không gian ắng lặng, biển rì rầm… Ba giờ sáng, mình tỉnh ngủ hẳn, trằn trọc thao thức mãi. Bèn vào hầm vớ lấy khẩu súng ngắn, đội mũ, ra biển chơi.

Trăng lên cao, sáng rõ. Màu sáng lơ của trăng dìu dịu, quyến rũ. Những đám mây vân nhỏ tha thẩn, vờn những ngôi sao xa. Từng ngọn sóng biển chuyển đều, đập tràn vào bờ, biến thành một dải trắng kéo dài vô tận… Xuống khỏi hàng dương, gặp Sơn – chiến sĩ của B3 – đang đứng gác. Sơn ngạc nhiên khi thấy mình:

- Anh Lân đi đâu bây giờ?

- Không ngủ được! Buồn!

Mình bảo Sơn đi ngủ. Cậu đã mệt nên rất vui lòng.

Dưới các hố chiến đấu được lót bằng những tấm ni-lông hay những cành dương, qua ánh trăng, thấy rõ từng khuôn mặt đang ngủ say (…)

Biển và vòm trời đêm nay sao mình thấy vĩ đại quá (…)

Con người (…) bé bỏng (…) lạc lõng (…)