“Buôn Ma Thuột: Địch phản kích thất bại”




Vấn đề đặt ra (…) là phải triệt để tận dụng thời cơ đã tạo ra được để gấp rút phát triển thắng lợi. Vì chỉ có phát triển mới củng cố được những thắng lợi đã đạt, lại tạo cơ hội giành thắng lợi mới (…) Nhưng phát triển như thế nào (…)

Ở Tây Nguyên lúc bấy giờ địch còn (…) chủ lực Quân đoàn 2 (…) quân địa phương (và) một số liên đoàn biệt động quân (…) Chúng có thể cơ động từng trung đoàn đến phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột hoặc tăng cường phòng ngự các nơi khác (…) cố thủ, đợi mùa mưa. Điều cần phải tính đến nữa là địch có thể điều động một, hai sư đoàn ở các chiến trường khác đến nếu ở những nơi ấy ta hoạt động yếu (…)

Chỉ còn khoảng gần hai tháng nữa là bắt đầu mùa mưa. Đây sẽ là một trở ngại rất lớn đối với hoạt động của bộ đội (…)

Tôi, đồng chí Đinh Đức Thiện, đồng chí Lê Ngọc Hiền và một số đồng chí khác trong Sở chỉ huy bắt đầu trao đổi ý kiến, tính toán về vấn đề này trong tối ngày 11 và sáng ngày 12 tháng 3. Chúng tôi (…) đề nghị Bộ Tổng tư lệnh đôn đốc Mặt trận Trị Thiên (…) giữ địch ở đấy không cho chúng điều quân lên Tây Nguyên (…)

(Sau) trận Buôn Ma Thuột (…) các đơn vị của ta còn sung sức, hậu cần tiêu hao rất ít mà lại còn được bổ sung bằng chiến lợi phẩm. Khi bàn đến tình hình lương thực, đạn dược, đồng chí Đinh Đức Thiện xòe hai bàn tay ra, rồi vui vẻ nói: “Bỏ một vốn, không phải bốn lời mà đến mười lời rồi đó (…)”

Chúng tôi trong Sở chỉ huy nhất trí sẽ dùng phần lớn lực lượng của chiến dịch phát triển ngược lên phía bắc theo đường số 14, tiêu diệt và giải phóng Pleiku, cô lập Kon Tum (…)

Tôi nhận được điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp cho biết Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương phấn khởi trước thắng lợi to lớn, giòn giã (…) gửi lời nhiệt liệt khen ngợi toàn thể (quân dân) ở Mặt trận Tây Nguyên (và) nhận định tình hình như sau (…) Ta có khả năng giành thắng lợi to lớn nhanh hơn dự kiến (…) Cần có tinh thần khẩn trương và mạnh bạo (…) hoàn toàn nhất trí với chủ trương (của Sở chỉ huy) (…) Ở Buôn Ma Thuột vừa nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị địch còn lại, vừa phát triển ra chung quanh, vừa sẵn sàng đánh viện (…) Nhanh chóng phát triển về phía Phú Bổn, tiêu diệt sinh lực địch (…) Hình thành ngay thế bao vây Pleiku, tiến đến tiêu diệt địch ở Pleiku. Đối với Kon Tum thì cô lập và tiêu diệt sau. Hướng phát triển về phía nam sẽ làm sau một bước (…)

Chúng tôi lại nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh, cho biết: theo tin mới nhất, địch đang có ý định dùng các lực lượng còn lại (ở) Buôn Ma Thuột và các điểm phụ cận (và) điều thêm từ một đến hai trung đoàn chủ lực và biệt động quân cùng với không quân tiến hành phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột (…)

Chiến đoàn 45 cùng Sở chỉ huy cơ bản Sư đoàn 23 nguỵ đã dùng máy bay lên thẳng từ Pleiku đổ bộ xuống Buôn Hồ trưa ngày 11-3 và (theo tin tình báo) một chiến đoàn nữa sẽ đổ xuống Phước An trong ngày 12-3 (…)

Tiếng súng tiến công của quân ta lan nhanh trên đường số 14, ở Buôn Hồ, Buôn Đôn, Đạt Lý, căn cứ trung đoàn 53, hậu cứ trung đoàn 45 của địch (…)

Sư đoàn 320 phái một lực lượng theo đường số 14 đánh xuống phía nam đường, giải phóng quận lỵ Buôn Hồ, đuổi địch chạy về Đạt Lý và một lực lượng khác đánh lên phía bắc đến giáp cầu I-a Leo, làm chủ vững chắc đường số 14 trên một đoạn dài 80km. Sư đoàn 10 phát triển về hướng đông Buôn Ma Thuột, triển khai một thế đứng tốt, sẵn sàng đón đánh viện binh địch (…)

Trên đường phát triển ra chung quanh Buôn Ma Thuột, quân ta liên tục gặp địch ra hàng, thu được nhiều xe cộ và pháo 105 ly (…)

Tại Sở chỉ huy, bản đồ công tác được ghi chi chít những vòng tròn với hai gạch chéo màu đỏ là ký hiệu quân ta đã tiêu diệt và làm chủ mục tiêu, những mũi tên màu đỏ chỉ đường tiến quân của các đơn vị, những mũi tên màu xanh chỉ đường rút chạy của địch. Máy điện thoại reo vang, giục giã (…)

Các cụm pháo tầm xa của ta đã đo lại các phần tử bắn (…) Các cụm cao xạ dồn đội hình (…) sẵn sàng đánh quân địch đổ bộ đường không (…)

Từng đợt máy bay lên thẳng của địch kế tiếp nhau đổ quân xuống vùng Phước An và phía tây sân bay Hoà Bình. Trung đoàn 44, một bộ phận của Trung đoàn 45 cộng với tàn quân của Trung đoàn 53 chạy về đây đã trải qua những giờ phút hãi hùng nhất. Địch trên máy bay chưa xuống đến đất đã run sợ trước làn đạn các loại súng cao xạ bắn lên và nhìn thấy đồng bọn bị bắn rơi chung quanh. Nếu đặt được chân xuống đất thì chưa kịp chấn chỉnh đội hình đã phải chạy tán loạn để tránh các loạt đạn pháo của ta giội xuống và đạn bắn thẳng của bộ binh ta. Địch khiếp sợ nhất khi trông thấy xe tăng, xe bọc thép của ta xuất kích xông vào trận địa.

Các đơn vị đổ bộ đường không của địch lần lượt bị diệt, số còn lại chạy tan tác, lẫn lộn vào nhau lùi dần về phía đường số 21. Trên đường rút chạy, quân địch kéo theo bọn nguỵ quân, nguỵ quyền địa phương và biệt động quân, để lại nhiều xe, pháo, súng đạn. Các đơn vị của ta chuyển sang truy kích địch bằng xe cơ giới, cứ theo đường cái vượt lên trước và lập các chốt chặn đón dọc đường để bắt bọn tàn quân. Cán bộ tham mưu quân báo và tác chiến lúc này cũng gặp khó khăn trong việc ghi lên bản đồ các phiên hiệu của địch vì đội hình địch rút lộn xộn, trên không thì điện đài phát loạn xạ, không phân biệt được đơn vị nào kêu cứu, kẻ nào đến cứu. Máy bay địch từng tốp bay lượn trên cao không yểm trợ được cho lực lượng dưới đất.

Sáng sớm ngày 14 tháng 3, chúng tôi kết luận: chủ lực của Sư đoàn 23 nguỵ gồm trung đoàn 44, trung đoàn 45 ở phía đông Buôn Ma Thuột đã bị tiêu diệt. Số tàn quân của trung đoàn 53 và liên đoàn biệt động quân số 21 cũng chịu chung số phận. Cuộc phản kích của Quân đoàn 2 địch ở Tây Nguyên đã bị đập tan (…)

Cùng ngày, sau khi trao đổi ý kiến với các đồng chí tham mưu trong Sở chỉ huy, tôi gửi đi bức điện báo cáo với Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương (…) hứa sẽ nỗ lực tổ chức thực hiện tốt để đạt yêu cầu của trên là rút ngắn thời gian giành thắng lợi vượt mức kế hoạch đề ra, hoàn thành kế hoạch của Tây Nguyên dự kiến năm 1976 trong vòng vài ba tháng của năm 1975 (…)


(Trích chương 6 và chương 7, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)