“Ngày xuân con én đưa thoi”, Kiều, Vân và Vương Quan “sắm sửa bộ hành” đi lễ hội Thanh Minh. “Dập dìu tài tử giai nhân” giữa “cỏ non xanh tận chân trời”, vui quá. Xế chiều, “chị em thơ thẩn dan tay ra về”, vừa đi vừa thưởng thức phong cảnh. Đang ngắm “nao nao dòng nước uốn quanh / nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”, chợt thấy “sè sè nấm đất bên đường / dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Mả Đạm Tiên! “Kiếp hồng nhan có mong manh / Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”... Kiều sụt sùi “Đau đớn thay phận đàn bà!”, rồi thắp nhang, “lầm dầm khấn vái”, rồi “đứng lặng tần ngần”, rồi khóc nữa, bởi “nỗi niềm tưởng đến mà đau / thấy người nằm đó biết sau thế nào”... Đang chưa chịu đi tiếp, thì tuy không thấy ai mà bỗng “dấu giày từng bước in rêu rành rành”! Chẳng những không sợ, Kiều còn bước tới “gốc cây lại vạch một bài cổ thi” để tạ lòng hồn ma Đạm Tiên đã “hiển hiện cho xem”. (Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 39-132)




Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. (40)
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh, (45)
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay. (50)
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh, (55)
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: “Sao trong tiết Thanh Minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?” (60)
Vương Quan mới dẫn gần xa:
“Ðạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh.
Kiếp hồng nhan có mong manh, (65)
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ! (70)
Buồng không lặng ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta!
Ðã không duyên trước chăng mà, (75)
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm sanh nếp tử xe châu,
Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!” (80)
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa:
“Ðau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Phũ phàng chi bấy hóa công! (85)
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta,
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng!
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai? (90)
Ðã không kẻ đoái người hoài,
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.”
Lầm dầm khấn vái nhỏ to, (95)
Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.
Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một và bông lau.
Rút trâm sẵn giắt mái đầu,
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần. (100)
Lại càng mê mẩn tâm thần,
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài.
Vân rằng: “Chị cũng nực cười, (105)
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!”
Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?” (110)
Quan rằng: “Chị nói hay sao,
Một lời là một vận vào khó nghe!
Ở đây âm khí nặng nề,
Bóng chiều đã ngả dặm về còn xa.”
Kiều rằng: “Những đấng tài hoa, (115)
Thác là thể phách còn là tinh anh.
Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ!”
Một lời nói chửa kịp thưa,
Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay. (120)
Ào ào đổ lộc rung cây,
Ở trong dường có hương bay ít nhiều.
Ðè chừng ngọn gió lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành rành.
Mặt nhìn ai nấy đều kinh, (125)
Nàng rằng: “Này thực tinh thành chẳng xa.
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em.”
Ðã lòng hiển hiện cho xem,
Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời. (130)
Lòng thơ lai láng bồi hồi,
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)














____________
Trừ chỗ nào có ghi khác, các chú thích dưới đây là dựa theo
Từ điển Truyện Kiều của Ðào Duy Anh.
“Thiều quang”: Ánh sáng đẹp của mùa xuân (...) tức ngày xuân là 90 ngày mà đã ngoài 60 ngày rồi, tức là sang đầu tháng ba.
“Ðạp thanh”: Xéo trên cỏ xanh. Hội
Ðạp thanh tức là hội chơi xuân, người ta ra đồng đi chơi giẫm trên cỏ xanh.
“Sắm sanh”: Như sắm sửa. (ÐHTHCN)
“Nếp tử”: Áo quan gỗ tử (gỗ thị). (ÐHTHCN)
“Xe châu”: Xe tang. Câu này ý nói người khách phương xa làm lễ táng cho Ðạm Tiên, vì lúc chết rồi còn để quàn một chỗ. (ÐHTHCN)
“Bụi hồng”: Do chữ
hồng trần, chỉ đời thế tục bụi bặm. Ðây nói nấm mồ của Ðạm Tiên. (ÐHTHCN)
“Thỏ lặn ác tà”: Thỏ là con thỏ, chỉ mặt trăng. Ác là con quạ, ác vàng chỉ mặt trời. Bốn chữ này nghĩa là mặt trăng lặn, mặt trời tà, ý nói ngày này sang ngày khác.
“Hóa công”: Thợ tạo hóa.
“Phượng chạ loan chung”: Chỉ những người đã từng ăn nằm với Ðạm Tiên. Vốn là “loan phượng chung chạ” tách ra mà đặt thành.
“Tiếc lục tham hồng”: Chỉ những người ham mê sắc đẹp của Ðạm Tiên.
“Cỏ áy bóng tà”: Bãi cỏ có ánh mặt trời tà chiếu xuống thành sắc áy vàng.
“Một và bông lau”: Và là vài ba.
“Ðè chừng”: Nhắm chừng, áng chừng.
“Tinh thành”: Lòng thành tinh túy.