Đoàn Văn Cừ có câu thơ tả cảnh quê: “Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ”. Ấy là quê tiền chiến, chứ trong ba mươi năm kháng chiến thế kỷ 20, nhất là trong thời đánh Mỹ, thì quê ban đêm tuy “không nhìn thấy gì đâu” nhưng ai có “đi” sẽ được “nghe lắm âm thanh mới lạ”, chẳng dính líu gì tới nghề trồng lúa… Đêm bây giờ như dạ con, chứa những “bào thai chiến dịch”, bào thai trận địa, bào thai đường, bào thai cầu… Tất cả rồi sẽ chào đời, trưởng thành, cùng nhau hay kế tiếp nhau rút cuộc làm xẩy ra “thay đổi lớn lao”, đưa quê trở lại câu thơ Đoàn Văn Cừ! (Thu Tứ)



Phạm Tiến Duật, “Nơi tắt lửa”




Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay...
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
(…)
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ô-tô
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết
Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.
Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích đi qua
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao.

Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.


1967

(Trích từ bài thơ “Lửa đèn”)