Đằng đông hơn hẳn, lại có xe tăng, phi pháo yểm hộ, thế mà phải đánh từ sáng đến chiều mới…

Đằng vô cùng dũng cảm, nhưng sức người có hạn…

Chiến sĩ bị thương được dân thương, “kỷ niệm sâu sắc nhất” này càng “làm sao có thể quên được”.
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (9)




1-5-1968

Biết bao kỷ niệm, làm sao có thể quên được. Và đây, kỷ niệm sâu sắc nhất (…) xóm Đại Độ, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ (…)

Hôm ấy là ngày 5 tháng 3 năm 1968. Đêm hôm trước chúng con vội vã hành quân chuyển chỗ ra bờ sông Cửa Việt (…)

Con trông rõ hai thằng bắn súng máy đứng trong lá chắn, mũ sắt sụp che mất mắt, vài ba thằng ngồi ủ rũ ở mui bên kia, hút thuốc, mắt lơ đễnh nhìn đâu đâu (…) Chờ đến khoảng 7 giờ sáng thì tàu vận tải bắt đầu lên. Nó lấy hàng tiếp tế ngoài cảng Cửa Việt chở vào Đông Hà, để Đông Hà chuyển vào Khe Sanh cho bọn bị bao vây. Tàu đi rất chậm hẳn do chở quá nặng . Khẩu đội SKZ của đơn vị phối thuộc khai hỏa, quả đầu tiên trúng ngay sườn tàu chỗ ngang mép nước, từng luồng khói đen ngòm tung ra. Chiếc tàu thứ hai cũng bị nện một quả B-41. Đạn địch phản ứng bắn lên bờ như mưa, tụi giặc đóng trong những xóm bên kia sông cũng bắn sang. Ba bốn chiếc trực thăng đã phát hiện được nơi đặt B-41, chúng lượn đi lượn lại, bắn xuống không ngớt. Pháo từ Cửa Việt cũng bắn vào.

Được một lúc, đồng chí Tập quan sát phía sau bỗng hốt hoảng báo cáo: “Bộ binh nó tới!”.

Xe tăng địch chạy rất êm, hầu như không nghe thấy tiếng động. Trông rõ bọn lính nhảy từ trên xe tăng xuống, tập hợp, dàn thành hàng ngang, thận trọng tiến về phía chúng con. Chúng đông quá (…) Trên trời, máy bay L-19 bay rè rè chậm chạp dòm ngó, còn bọn “U-ti-ti” hung hãn cứ nhè vào chỗ chúng con mà phóng rốc-két, nhả đại liên xuống không ngớt… Đồng chí Đính chết ngay trong hầm. Đạn bay qua chỗ hở, cắm vào bên dưới ngực (…)

Chiến đấu ở đây ư? Không thể được. Đằng sau lưng là sông, địch có thể từ Đông Hà tràn qua (từ Đông Hà tới đây chỉ có 2 cây số (…) Trung đội trưởng ra lệnh: “Gắng sức, tất cả chạy vào xóm bên trái cố thủ!”. Thế là chúng con liều lĩnh xé đường chạy (…) Máy bay quần đảo trên đầu như một lũ mù, không phát hiện được. Bọn bộ binh trông thấy, bắn đuổi theo, nhưng đạn bay cao, không trúng ai cả. Con chạy thở không ra hơi, tim đập thình thình. Phần hồi hộp, phần đeo quá nặng (…)

Bọn địch cũng rất thông thạo địa hình. Chúng cho xe tăng đi trước ào nhanh về phía cái xóm nơi chúng con vừa đến. Xóm này hầm hố không có. Nguyên đây là vùng giặc đóng từ xưa tới giờ, chúng mới bỏ lên bốt, ta thì chưa có đơn vị nào tới (…) Cả thảy 19 người chúng con giăng đều sau những rặng tre (…) Bắt đầu nổ súng (…) Một thằng Mỹ bỏ mạng ngay với con (…) Sau khi ngớt loạt đạn đầu, hắn cùng hai ba thằng nữa lom khom chạy qua quãng trống. Con bóp cò, hắn đổ vật ngay xuống. Mấy thằng kia chạy quay trở lại, nhằm vào con mà bắn không tiếc đạn (…) Lúc ấy con bình tĩnh lắm (…) giờ nghĩ lại con vẫn thấy có chút tự hào (…) Nhưng rồi (…) anh em chúng con theo nhau chết và bị thương (…) Một đồng chí phụ trách B-41 bị mảnh pháo làm lòi ruột. Con trông thấy, cuống cả lên, nếu bỏ súng tới băng cho đồng chí đó thì nguy hiểm vô cùng vì lúc này con là chủ chốt nhất (hình như là xạ thủ trung liên). Song con cũng trườn tới băng, băng một cách vội vàng, cẩu thả (…)

Bọn địch hò hét om sòm. Mỹ có, ngụy có. Con nghe rõ tiếng thằng Mỹ kêu, giọng the thé: “Gô, gô!...”. Thằng chỉ huy ngụy giọng khàn khàn, tiếng Quảng Nam: “Bên này, bên này! Lên đi! Lên đi!”… Chúng nấp sau những gò mả, thỉnh thoảng mới nhú đầu lên. Lúc sau, thấy một lớp khói dày đặc, tạo thành bức màn bít cứng lấy mắt, không ai nhìn thấy gì nữa. Bọn địch lợi dụng khói mù tiến đến gần (…) Chúng con chuyển sang ném lựu đạn và bắn liên tục (…) Thấy chẳng làm gì được (…) chúng nó lại tung khói mù để lùi ra xa, rồi vừa gọi pháo và trực thăng vũ trang bắn dồn dập, vừa dùng phóng lựu và cối cá nhân tự bắn (…) Tiểu đội con còn lại ba người. Con nói với Nguyên, ở phía bên kia mô đất: “Mày nhớ nhìn kỹ chỗ ấy, nó có thể bò vào đấy!”. Lát sau, con lại gọi Nguyên, nhưng nó đã chết lúc nào không hay, ngồi ôm súng như ngủ gật. Thế là tiểu đội con chỉ còn có hai. Con và đồng chí tiểu đội trưởng giữ trách nhiệm một cánh. Chúng con lùi ra sau khoảng 20 mét, tìm vào một nền nhà đã cháy sém (…) Mấy băng đạn con tham mang đi, giờ giá trị vô cùng. Đồng chí tiểu đội trưởng mang theo hai khẩu tiểu liên lấy ở hai đồng chí đã hy sinh.

Lúc này khoảng hai ba giờ chiều. Phía gò mả cạnh một ao nước, hai chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn âm ỉ cuộn khói, thỉnh thoảng nghe nổ đùm đụp hẳn vì trong xe còn đạn.

Nhận thấy sức chống trả của chúng con yếu đi, tụi Mỹ hò hét om sòm, chạy vụt qua vụt lại sau mấy cái mả. Có một thằng, con trông thật rõ mà bắn hai loạt vẫn không thấy nó chết. Sau con mới hiểu là nó đã chết ngồi. Địch xối đạn vào chỗ chúng con. Đạn bay qua người con sát rạt, lạnh cả xương sống. Con chỉ chờ ngớt tiếng đạn là di chuyển ngay. Nhưng bỗng nhanh lắm và bất ngờ lắm, bàn tay phải của con bị hẫng, tê hẳn đi… Ngón tay cái của con đã bị trúng đạn, máu phun thành một tia nhỏ, đốt xương bị lồi bật ra, trông thấy những sợi gân nhỏ chưa đứt. Con gọi đồng chí tiểu đội trưởng, báo là đã bị thương, rồi vội vàng lấy tay trái mở cuộn băng cá nhân quấn bậy vào tay phải những vòng băng lộn xộn rối ren (…) (Khẩu trung liên của con) đầu ruồi đã bị một viên đạn địch bắn trúng làm méo xẹo đi. Con gọi sang đồng chí tiểu đội trưởng báo là súng vẫn bắn được nhưng chỉ ước lượng mà bóp cò thôi chứ không ngắm được nữa (…)

Chúng con quyết định chạy vào xóm (khác) tìm hầm trú. Máy bay nhào xuống, cắt từng chùm ba quả bom một (…) Khói mù mịt, tai ù đặc. Hai đứa chúng con lạc nhau (…) Con tìm được một cái hầm to, lao nhanh vào. Thân thể bị lắc vì bom nổ như đưa võng. Một cái xóm nhỏ như vậy mà phải chịu đến hơn ba chục quả bom quẳng xuống. Cây cối đổ rào rào, đất đá bắn lên nắp hầm bình bịch (…) Con thiếp đi lúc nào không hay (…)

Khi con tỉnh dậy, nhìn ra ngoài thấy trời đã sắp tối. Bốn bề yên lặng. Máu ở tay vẫn chảy rỉ rỉ, túi áo bị ướt nhiều vì máu, lúc ngủ con đã để tay lên ngực. Bây giờ mới thấy đau và buốt, người choáng váng. Thêm nữa, cái không khí buổi hoàng hôn làm con vô cùng hoảng sợ. Địch đã vào xóm chưa? (…) Tụi nó có thể ném lựu đạn vào hầm. Nghĩ tới vậy, con đâm khỏe hẳn ra, tháo lấy một quả lựu đạn, ngoắc sẵn dây, từ từ chui ra khỏi hầm, rón rén bước, nhìn ngược nhìn xuôi (…) Vắng lặng quá! Con lang thang hết hầm này sang hầm nọ (…) gọi xuống từng hầm một xem có bộ đội không, nhưng chẳng hề có lấy một tiếng đáp (…) Té ra con là người cuối cùng còn sót lại đây (…) Con không ra ngoài xóm, phòng nhỡ có đụng phải địch thì còn dễ bề ẩn náu (…)

Mãi sau con mới gặp một phụ nữ hớt hải vào xóm (Con nhờ chị ấy đưa lên xóm trên, tới nơi thì) trời đã tối mịt. Bà con cô bác thấy con bị thương, có người cứ cầm lấy tay con mà khóc. Họ nấu cơm cho con ăn, pha sữa cho uống. Ở đây con gặp lại đồng chí tiểu đội trưởng, đang mê sảng nói điều gì đó và giãy giụa mạnh. Đồng chí ấy bị đạn dắt phía sau đầu. Con nhớ mãi khuôn mặt của một em gái, tuổi độ 14, 15, xinh xắn và hiền hậu, cứ nhìn mãi con bằng cặp mắt trìu mến, xới cơm cho con, chan cho con từng thìa canh một (…)