Ba mươi năm kháng chiến, mãi đến gần ngày toàn thắng, chiến sĩ Việt Nam mới được ra trận bằng xe!



“Buôn Ma Thuột: Chuẩn bị, chuẩn bị”




Một điều hết sức phấn khởi là thấy các chiến sĩ ta đi chiến dịch bằng phương tiện cơ giới, ăn uống no đủ (…) Các chiến sĩ cũng nhận được một số súng lớn và đạn lớn sản xuất trong nước (…) Đây là bước đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật trong ngành công nghiệp quốc phòng. Càng đi ra mặt trận, càng thấy sức mạnh to lớn của hậu phương (…)

Giữa đường (vào Tây Nguyên), chúng tôi gặp Sư đoàn 316 đang hành quân. Lần đầu tiên toàn Sư đoàn ra trận bằng cơ giới, các chiến sĩ ngồi trên 500 chiếc xe lớn. Để giữ bí mật, Sư đoàn được lệnh từ khi lên đường đến lúc nổ súng, tuyệt đối không được mở máy thông tin liên lạc. Ta bắt được điện của địch đang gọi nhau kêu mất hút 316 (…) Xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo tầm xa, kéo pháo cao xạ, xe tải các loại nối đuôi nhau thành dãy dài vô tận như một dòng thác lớn chảy ra tiền tuyến (…)

Địch vẫn chú ý phòng thủ bắc Tây Nguyên nhiều hơn.

Ta lại tăng cường hoạt động nghi binh: huy động nhân dân vùng giải phóng ở Kon Tum và Pleiku rầm rập kéo đi làm đường, chữa đường, vận tải, bộ đội kết hợp với địa phương tổ chức nhiều cuộc mít-tinh hoan nghênh bộ đội về giải phóng Pleiku, Kon Tum.

Ngày 1 tháng 3, Sư đoàn 968 diệt hai đồn trên đường số 19, phía tây Pleiku, áp sát vào quận Thanh An. Địch lại càng khẳng định ta chuẩn bị địa bàn để đánh Pleiku. Chúng vội điều trung đoàn 45 từ Thuần Mẫn (ngã ba đường số 14 đi Phú Bổn) lên Thanh An ngày 3 tháng 3.

Thấy địch đã “mắc câu”, tôi nhắc đồng chí Hoàng Minh Thảo chỉ thị cho Sư đoàn 968 đánh mạnh hơn nữa, tăng thêm đạn lớn cho Sư đoàn bắn vào sân bay Cù Hanh và dặn đồng chí Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng, là phải thực hiện “đánh một, la mười”.

Ngày 4 tháng 3, trung đoàn 95 và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiêu diệt một loạt vị trí và cắt đứt đường số 19 trên hai đoạn ở phía đông và ở phía tây An Khê. Địch điều 2 trung đoàn của Sư đoàn 22 từ Bình Định lên giải toả đông An Khê và lữ kỵ binh 2 từ Pleiku xuống giải toả tây An Khê. Phạm Văn Phú càng cố sống cố chết tăng cường phòng thủ bắc Tây Nguyên, chủ yếu là Pleiku. Hắn tung các liên đoàn biệt động quân 4 và 6 thọc ra phía tây bắc Kon Tum và tây bắc Pleiku để tìm Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 là hai sư đoàn đã từng giáng cho địch những đòn đau trong những năm từ 1972 đến 1974. Pháo binh và máy bay địch tập trung đánh vào bất cứ chỗ nào chúng nghi ta trú quân hoặc đặt trận địa pháo.

Trong khi đó Sư đoàn 320 vẫn nằm im ở phía tây đường số 14 chỉ cách đường 5 km, đoạn từ cầu I-a Leo đến Chư Xê và ngay ngày 3 tháng 3, sư đoàn đã cho tiểu đoàn 9 vượt đường số 14 vòng sang phía đông quận ly Thuần Mẫn, sẵn sàng khi có lệnh sẽ ra chốt trên đường từ Thuần Mẫn đi Cheo Reo, không cho địch từ Phú Bổn lên tăng cường cho đường số 14 hoặc từ Thuần Mẫn tháo chạy về Cheo Reo. Phải nói rằng hành động của tiểu đoàn này rất tích cực, khôn khéo và kín đáo, tách ra hoạt động độc lập xa trung đoàn nhưng vẫn kéo dây điện thoại bí mật chui qua đường số 14 để giữ vững liên lạc với trung đoàn ở cách xa hơn 20 km. Và chính tiểu đoàn 9 sau này đã là đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 320 ra chặn đội hình địch ở phía đông Phú Bổn khi chúng tháo chạy từ Pleiku về Phú Yên theo đường số 7.

Còn Sư đoàn 10 thì đang bí mật dồn binh lực, hoả lực vào sát Đức Lập và Đắc Soong ở phía tây nam Buôn Ma Thuột, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để nổ súng đúng ngày giờ đã quy định.
Ngày 5 tháng 3, trung đoàn 25 ra cắt đứt đường số 21 trên đoạn phía đông Chư Cúc, diệt một đoàn xe hơn 80 chiếc.

Thế là đến ngày 5 tháng 3, địch ở Tây Nguyên đã bị cô lập với đồng bằng. Nhưng giữa nam Tây Nguyên và bắc Tây Nguyên địch vẫn đi lại được với nhau, vì ta chủ trương chưa cắt đường số 14. Hàng ngày khoảng 60 đến 80 xe quân sự và dân sự của địch vẫn đi lại bình thường (…) Vì sao ta không cắt đường số 14 cùng một lúc với cắt các đường số 19 và số 21? (…) Nếu cắt đường số 14 sớm thì có thể bị lộ ý định đánh Buôn Ma Thuột (…) muốn cắt đường số 14 (…) thì phải đánh chiếm quận lỵ (Thuần Mẫn). Mà đã đánh chiếm thì địch sẽ biết ta có một sư đoàn đứng ở bắc Buôn Ma Thuột (…) Ta chủ trương bắt đầu đánh Buôn Ma Thuột thì đồng thời đánh quận lỵ Thuần Mẫn (…) Nhưng mặt khác lại phải sẵn sàng một lực lượng lớn để trong khi ta chưa cắt đường mà địch đã phát hiện ý định ta đánh Buôn Ma Thuột, tăng cường lực lượng cỡ trung đoàn trở lên từ Pleiku theo đường số 14 xuống, thì lập tức tiến hành một trận vận động phục kích tiêu diệt lực lượng này, đồng thời chốt luôn đường số 14. Do đó, ta đã bố trí ở khu vực này Sư đoàn 320, một sư đoàn quen đánh vận động và có nhiều kinh nghiệm cắt và chốt giữ đường (…)

Một tình huống xảy ra: trưa ngày 5 tháng 3, Sư đoàn 320 dùng một tiểu đoàn diệt một đoàn xe quân sự 14 chiếc và thu 2 khẩu pháo 105 ly trên đường số 14 (…) báo cáo lên Mặt trận: hai hôm nay địch tăng thêm một tiểu đoàn của trung đoàn 45 về Thuần Mẫn, thường xuyên lùng sục phía tây đường số 14 để phát hiện ta. Ta vẫn tránh không nổ súng và vẫn giữ được bí mật. Hàng ngày cường độ vận chuyển trên đường số 14 của địch tăng lên. Sở dĩ đánh trận hôm nay là vì phán đoán địch đưa dần trung đoàn 45 về tăng cường cho Buôn Ma Thuột. Đồng chí Vũ Lăng đề nghị cho Sư đoàn ra chiếm lĩnh trận địa, chốt chặn trên đường số 14 và đánh Thuần Mẫn (…) Tôi thông cảm sự lo lắng về trách nhiệm của Sư đoàn 320 (…) Nhưng điểm lại tình hình hoạt động mấy ngày gần đây của địch thì thấy chúng (…) chưa thay đổi nhận định cũ. Ta vẫn giữ được bí mật, cần tiếp tục giữ bí mật nữa, đánh lừa địch thêm (…) Sau khi trao đổi ý kiến thêm với đồng chí Lê Ngọc Hiền, tôi chỉ thị: “Sư đoàn 320 tiếp tục im lặng, tránh nổ súng với bọn thám báo lùng sục, không có lệnh không được đánh trên đường số 14, giữ vững quyết tâm đã xác định”. Đồng thời tôi lệnh cho Mặt trận phái cán bộ xuống hỏi cung ngay tên trung uý pháo binh nguỵ vừa bị bắt. Nửa đêm, đồng chí thư ký của tôi lên báo cáo: tên tù binh khai đoàn xe của chúng chở một đại đội của trung đoàn 45 và một số nhân viên về hậu cứ ở Buôn Ma Thuột nghỉ và hôm sau sẽ chở tân binh lên bổ sung cho các đơn vị của trung đoàn ở Pleiku. Như vậy là 14 xe từ Pleiku về Buôn Ma Thuột là vận chuyển thường xuyên, chưa phải địch tăng cường lực lượng về Buôn Ma Thuột (…)

Sáng ngày 6 tháng 3 (…) địch cho tiểu đoàn 3 của trung đoàn 53 cùng một chi đội thiết giáp, một tiểu đoàn bảo an lên Quảng Nhiêu, cách đông bắc Buôn Ma Thuột 11km (…) lùng sục khu vực này. Các lực lượng pháo binh, xe tăng và công binh của ta (…) đã lui về phía sau để khỏi bị lộ. Nếu chúng lùng sục kéo dài đến ngày 8 tháng 3 thì sẽ ảnh hưởng đến việc ta chuẩn bị đánh từ phía bắc vào thị xã. Có thể do bắt được bộ đội có mang theo tài liệu nên địch bắt đầu nghi ngờ về hướng này. Nhưng dù biết là có pháo binh ta ở bắc Buôn Ma Thuột cũng chưa chắc địch sẽ khẳng định thị xã này sắp bị đánh. Cũng có thể chúng cho là ta chuẩn bị để pháo kích vào thị xã như ta vẫn làm trước đây, nếu chúng không phát hiện được gì thêm.

Tôi bàn với các đồng chí (…) đại diện Bộ Tổng tư lệnh, rồi (chỉ thị) Hướng Quảng Nhiêu tiếp tục tránh địch (…) nếu chúng vào sâu hơn nữa, đến vị trí tập kết của ta, thì bao vây tiêu diệt gọn từng mũi (…) Nếu chiều ngày 6 tháng 3 địch không lui về Buôn Ma Thuột (…) thì Sư đoàn 320 chuẩn bị sáng 7 tháng 3 diệt cứ điểm Chư Xê (…) để kéo địch về hướng này, tạo điều kiện cho các đơn vị ở hướng Quảng Nhiêu tiếp tục công tác chuẩn bị. Nếu địch vẫn tiếp tục lùng sục thì ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ, chi khu Thuần Mẫn, thực hiện cắt hẳn đường số 14, “hút” địch từ Buôn Ma Thuột lên, đồng thời sẵn sàng đánh địch từ Pleiku xuống (…)

Ngày 7 tháng 3, ta diệt Chư Xê trong 30 phút (…) nhưng địch vẫn chưa rút khỏi Quảng Nhiêu. Sáng 8 tháng 3, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận ly Thuần Mẫn, cắt hẳn đường số 14. Đến trưa, lực lượng địch ở Quảng Nhiêu vội vã (…) rút về Buôn Ma Thuột. Ngày 9 tháng 3 (…) ta đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, Đắc Soong, Núi Lửa, mở thông hoàn toàn đường hành lang chiến lược Bắc Nam, phía đông Trường Sơn. Ở hướng bắc ta tiêu diệt quận lỵ Thanh An trên đường số 19, áp sát vào phía tây thị xã Pleiku. Thế là ta đã (…) vừa chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng, vừa chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, hoàn toàn (…) cô lập thị xã Buôn Ma Thuột (…) Đến lúc này, dù cho địch có biết chắc ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột thì cũng đã quá muộn rồi (…)

Chiều ngày 9 tháng 3, tôi gửi một bức điện về Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương (…)

19 giờ ngày 9 tháng 3, chúng tôi lần lượt gọi điện thoại cho các đơn vị. Các nơi báo cáo mọi công tác chuẩn bị đã xong và đã đến đúng vị trí quy định. Phức tạp và khó khăn nhất là việc chở pháo qua sông Sê-rê-pốc bằng bè nứa (…) Những đơn vị đột kích binh chủng hợp thành phải chờ khi bắt đầu nổ súng mới hành quân bằng cơ giới chọc qua các đồn bốt của địch cũng đã bố trí xong đội hình (…)

Đêm mùng 9 tháng 3, chúng tôi ngồi ở Sở chỉ huy, tiếp tục theo dõi tình hình và chờ giờ “G” (…) Từ cấp trên đến cấp dưới, chúng ta chờ đón “đêm giao thừa” này từ mấy năm nay (…) Vào giờ này (…) Tôi nói chuyện với đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận, qua dây nói: “Ta tiếp tục làm theo dự kiến, không có gì thay đổi. Cần bảo đảm thông tin chỉ huy cho tốt để nắm chắc tình hình. Đồng chí liên lạc chặt với tôi bằng cả ba phương tiện để kịp thời trao đổi ý kiến và xử lý mọi tình huống. Nắm được tình hình và đã quyết định là phải ra lệnh cho cấp dưới làm nhanh, dứt khoát, không bàn dây dưa. Chúc thắng lợi”.


(Trích chương 4 và chương 5, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)