“Đường mới ta xây (…) dài hơn (…) đường sá đời xưa để lại”. Những số liệu về đường ấy bây giờ in đầy sách nghiên cứu lịch sử, chỉ cần đọc là biết. Nhưng biết đó chỉ là về “mặt” đường, cần phải đọc lại thơ văn của những người xây người đi thì mới biết con đường ở dưới bề sâu… Tác phẩm của “anh” rất có giá trị giúp hậu thế đi xa hơn kiến thức khô khan, đi tới được cảm nhận sâu sắc về sự việc phi thường đã xẩy ra, để từ đó biết trân trọng đúng mức lòng yêu nước tha thiết lạ lùng của những thế hệ người Việt Nam trước mình. (Thu Tứ)



P. T. Duật, “Gửi em, cô thanh niên xung phong”




Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất

Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn

Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?
Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy (?) mở tung trắng cả rừng chiều

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Ðất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim

Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân

Chiếc võng bạt trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời, mùa hanh
Nước trắng khe, mùa lũ
Ðêm rộng đêm dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường

“Cạnh giếng nước có bom từ trường
En không rửa, ngủ ngay chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà…”
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình: đường mới ta xây
Ðã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại (1)

Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm “Thạch Nhọn Thạch Kim”
Tên em đã thành tên chung anh gọi
Em là cô thanh niên xung phong.


Đức Thạch 1968



















______
(1) Chỉ tính riêng ở Hà Tĩnh, số đường làm mới trong ba năm chống Mỹ cứu nước (1965-1967) bằng toàn bộ số đường của cả thế kỷ 19 cộng lại (tài liệu của tạp chí
Học Tập).