Miệt Cao Lãnh chỉ gồm có vùng chợ Cao Lãnh, trong khi miệt Trên quá rộng! Biên Hòa, Gia Ðịnh, Bà Rịa đâu có thuộc về đồng bằng sông Cửu Long! Sơn Nam kể chưa hết miệt, vì ở trang 19 ông nhắc thêm miệt U Minh, rồi tới trang 189, ông lại viết: “Dọc theo duyên hải vịnh Xiêm La từ vàm sông Cái Lớn đổ xuống phía nam còn một vùng khá rộng (...) Ðại Nam Nhứt Thống Chí chép (...) là vùng “Lâm Sác”, vùng Thập Câu, giới bình dân gọi nôm na là miệt Thứ (...) ven U Minh”. “Em về miệt Thứ” là về chỗ xa lắc xa lơ đó.



“Nam bộ có bao nhiêu miệt?”

Sơn Nam




Người ở đồng bằng sông Cửu Long đã phân tích khá tỉ mỉ những nét đặc biệt của từng vùng nhỏ trong đồng bằng. Họ gọi riêng rẽ:

- Miệt Trên: vùng Biên Hòa, Gia Ðịnh, Bà Rịa, có thể tính luôn vùng Tân An.

- Miệt Cao Lãnh: vùng chợ Cao Lãnh ngày nay, trước kia là quận lỵ của Sa Ðéc.

- Miệt Ðồng Tháp Mười.

- (Miệt) Mỹ, Vãng: Mỹ Tho, Vĩnh Long.

- Miệt Dưới: vùng Rạch Giá, Cà Mau.

- Miệt chợ Thủ, miệt ông Chưởng: theo lòng (sông?) Ông Chưởng, nối sông Hậu qua sông Tiền, tỉnh Long Xuyên.

- Miệt Xà Tón, Bảy Núi: tức là vùng Thất Sơn và quận lỵ Tri Tôn (Châu Ðốc).

- Miệt Hai Huyện: cũng là miệt Chợ Thủ, Ông Chưởng.

- Miệt Vườn: gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quít ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Ðéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.

Miệt khác với Miền. Miền là khu vực rộng hơn. Người ở Mỹ Tho gọi Miệt Dưới để chỉ vùng Rạch Giá, Cà Mau. Khi gọi Miền Dưới, tức là nói đến vùng hạ châu (Tân Gia Ba, Mã Lai hoặc Nam Dương).


(Sơn Nam,
Văn minh Miệt Vườn, nxb. Văn Hóa, 1992)