Muốn hiểu lịch sử, văn hóa, không thể không biết địa lý. Vì thế mà trong sách nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Trần Quốc Vượng có bàn về địa lý Việt Nam.

Châu thổ là đất do sông bồi. Nghe châu thổ, có lẽ đa số hình dung một vùng đất bằng phẳng. Nhưng châu thổ Bắc bộ không bằng (dốc xuống theo hướng đông nam), cũng không phẳng (ô trũng chen đồi núi)...



“Châu thổ Bắc bộ”

Trần Quốc Vượng




Tôi gọi là châu thổ Bắc bộ mà không gọi là đồng bằng sông Hồng (...) vì (đó) là sản phẩm của phù sa hệ sông Hồng và cả hệ sông Thái Bình (…)

Châu thổ Bắc bộ không bằng phẳng nên không nên gọi là đồng bằng. Trừ một tỉnh Thái Bình không có núi, tất cả các tỉnh khác của châu thổ Bắc bộ đều có địa hình núi đồi xen kẽ châu thổ và thung lũng.

Ngoài ra châu thổ Bắc bộ có nhiều “trũng” (ô trũng lớn nhỏ). Không nhấn mạnh điểm này, coi như không hiểu sự phân bố các làng ở châu thổ Bắc bộ và nền nông nghiệp kèm theo chúng (…)

Tam giác châu Bắc bộ (…) nghiêng từ tây bắc xuống đông nam (…) Mặt cắt ngang của nó giống như một chiếc võng, vùng trục giữa thấp hơn hai bên rìa (…) Giới địa học Việt Nam gọi nó là trũng Hà Nội (...)

(Châu thổ Bắc bộ) có dạng bậc thang: các bậc cao nằm ở phía tây bắc, các bậc thấp nằm ở phía đông nam trên một diện tích bề mặt chung khoảng 16.000 km2 (...) Có hai rặng núi chạy dọc sông Ðáy sông Cầu “be bờ” (…) Có nhiều sông, trung bình 1km vuông có hơn 1km sông ngòi, nhiều đầm hồ dạng lưỡi liềm, móng ngựa là dấu vết những lòng sông cũ (...)

Khí hậu (…) Khắc nghiệt: mùa hè nắng chói chang, mùa lạnh thực sự (…) Thất thường: “Rét tháng Ba bà già chết cóng”, “Nóng tháng Ba chó già lè lưỡi” (…) Thiên tai: “Mống cụt chẳng lụt cũng bão” (…) Do vậy, cư dân châu thổ cần luôn luôn: “Trông trời, trông đất, trông mây / Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, “Cơn mưa đằng đông vừa trông vừa chạy”, “Cơn mưa đằng nam vừa làm vừa ăn...”, “Thâm đông, sáng bắc, quắc tây / Ai ơi ở lại ba ngày hãy đi”...


(Trần Quốc Vượng,
Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2000)