Anh hùng Lê Gia Đỉnh (1920-1946)




(Chưa tìm thấy ảnh)


Trong cuốn hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Tại Bắc Bộ Phủ, Vệ quốc quân đánh lui nhiều đợt xung phong. Đến khoảng giữa trưa, chính trị viên đại đội Lê Gia Định thấy không giữ cứ điểm được nữa, đã ra lệnh cho số bộ đội còn lại rút sang Nhà bưu điện. Anh ở lại với một trái bom, định giật nổ để tiêu diệt toán quân Pháp đầu tiên xông vào. Bom không nổ, chính trị viên Lê Gia Định đã anh dũng hy sinh” (…)

Với mong muốn tìm hiểu thêm về anh hùng liệt sỹ Lê Gia Đính (còn gọi là Lê Gia Định hay Lê Gia Đỉnh) (…) cảm tử quân trong trận chiến 60 ngày đêm ở Thủ đô Hà Nội năm 1946, chúng tôi đã tìm đến nhiều nguồn thông tin như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội (…) sách, báo viết về lịch sử Thủ đô trong giai đoạn này (…) nhưng cũng chỉ sưu tầm được những thông tin ít ỏi. Cuối cùng (…) chúng tôi đã may mắn gặp được một người đồng đội cũ của anh - Vệ út Nguyễn Văn Phúc, ở tiểu đoàn 103, trung đoàn Thủ đô.

Trong một lần trò chuyện với trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi được ông giới thiệu với đại tá Nguyễn Trọng Hàm, trưởng ban liên lạc Đội quyết tử của thành phố Hà Nội (…) Ông nói: “Cháu có thể liên lạc với Vệ út Nguyễn Văn Phúc (…) Giờ đây, đó là người duy nhất có thể kể cho cháu về anh hùng Lê Gia Đính”.

Tôi gặp Vệ út Nguyễn Văn Phúc tại căn nhà nhỏ của ông ở phố Trương Định (…) Ông mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi. Hằng ngày, cùng với hai người bạn (…) lang thang khắp phố phường Hà Nội để bán báo rong, kiếm tiền nuôi thân (…) cuối tháng 3/1946 (các cậu bé) được gặp một Vệ quốc quân. Đó chính là anh hùng Lê Gia Đính. Khi ấy, Nguyễn Văn Phúc mới 12 tuổi. Ban đầu, cứ tối đến là anh Vệ quốc thường đến hỏi chuyện. Anh (…) hiền lành, ít nói nhưng rất tình cảm, dễ mến (…) Khoảng một tháng sau, anh bất ngờ hỏi: “Các em có muốn đi làm liên lạc cho Vệ quốc đoàn không?”. Ba cậu bé đều reo lên sung sướng (…)

Gần 8 giờ sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp lại chuẩn bị tấn công Bắc Bộ Phủ với sự yểm trợ của xe tăng. Từ trên cửa sổ tầng hai, Vệ út Nguyễn Văn Phúc nhìn thấy quân Pháp tràn vào nên báo ngay với Lê Gia Đính - chính trị viên đại đội. Anh Đính nghe xong ra lệnh: “Đi báo cho tất cả đại đội im súng, chờ giặc tới gần mới bắn (…) đạn còn rất ít” (…) Đó là lần cuối cùng Vệ út Phúc được gặp anh (…)

Cuộc chiến đấu kéo dài đến khoảng 11 giờ rưỡi trưa. Đạn gần hết, lựu đạn, chai cháy, bom ba càng cũng không còn. Các chiến sĩ đề nghị chiến đấu đến người cuối cùng. Lê Gia Đính ra lệnh cho tất cả các chiến sỹ còn lại dìu thương binh theo giao thông hào rút về Nhà Bưu điện. Mình anh ở lại chốt giữ vị trí. (Khi địch xông vào) Lê Gia Đính bấm điện để kích nổ quả bom lớn. Nhưng nó không chịu phát nổ. Lê Gia Đính đã xông lên giật kíp bom và anh dũng hy sinh.


(Lược trích bài của Hà Nguyên đăng trên trang
vov.vn)